Đầu tư
Đến lúc cần gói kích thích kinh tế hay chưa?
Đỗ Thiên Anh Tuấn - 26/02/2020 09:27
Nếu cần một biện pháp kinh tế nào đó lúc này thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh là rất cần thiết.
Hiện chưa có tính toán về thiệt hại của một số ngành chịu tác động từ dịch bệnh như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải hàng không, logistics… Ảnh: Đ.T

Nền kinh tế không phải đang thiếu tiền

Dịch bệnh nằm ngoài tất cả dự báo của chúng ta; Chính phủ, các tổ chức quốc tế lẫn giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp… đều đã không lường trước được. Mặc dù khi xây dựng kịch bản, Chính phủ cũng có những đánh giá thận trọng về những yếu tố bất lợi đến tăng trưởng kinh tế 2020, nhưng dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn là ẩn số khó lường.

Một số ngành, lĩnh vực kinh tế đang chịu những ảnh hưởng khá rõ từ Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này, khi đưa ra bất kỳ đánh giá gì, cũng cần có tính toán cẩn trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn chặt chẽ, tránh vội vàng. Trong đó, cần hết sức lưu ý đến phương pháp, mô hình, nguồn số liệu và con số tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng GDP, nhất là bối cảnh và cách thức chúng ta công bố các kết quả đánh giá đó.

Chưa kể, nguồn số liệu vĩ mô, diễn biến về dịch bệnh đến nay vẫn chưa rõ ràng, chưa ai dám khẳng định sẽ như thế nào, các tác động lên từng ngành, lĩnh vực vốn dễ tính toán thiệt hại hơn cũng chưa có tính toán nào, sao có thể ra được những con số vĩ mô rộng lớn như thế.

Hơn nữa, chúng ta chưa có số liệu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là số liệu tăng trưởng kinh tế của quý I/2020 để thấy được tác động đối với nền kinh tế như thế nào. Ngay cả khi đã có số liệu, thì việc bóc tách bao nhiêu tác động trong đó đến từ chu kỳ kinh tế, bao nhiêu là do vấn đề nội tại kinh tế và bao nhiêu là do dịch bệnh gây ra cũng không hề dễ dàng. Do chưa có cơ sở đánh giá quy mô tác động, việc thiết kế một gói kích thích kinh tế sẽ không khả thi.

Bối cảnh hiện nay rất khác so với giai đoạn suy giảm kinh tế cách đây hơn 10 năm. Gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề. Nó không đủ để bao trùm các phương diện liên quan của dịch bệnh, chưa kể những áp lực vĩ mô, đặc biệt tiềm ẩn lạm phát là rất lớn. Nói ngắn gọn, dịch bệnh không đơn giản chỉ là chuyện mà chính sách tài khoá hay tiền tệ có thể giải quyết được.

Nền kinh tế Việt Nam không phải đang thiếu tiền. Các dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa trong năm nay của chúng ta còn rất lớn. Chẳng hạn, dư địa tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 gần như chưa “xài” được nhiều, hệ thống ngân hàng không phải đang thiếu tiền, không phải nhà đầu tư, doanh nghiệp người dân không thể tiếp cận dòng tiền để đầu tư do dịch bệnh, ngoại trừ lý do của bản thân doanh nghiệp hoặc các trục trặc khác.

Tương tự đối với chính sách tài khóa. Việc giảm thuế có thể giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, song người dân không phải giảm tiêu dùng tạm thời vì thu nhập giảm, mà do lo sợ dịch bệnh, nên giảm nhu cầu đi lại và chi tiêu trong ngắn hạn. Do vậy, việc giảm hay giãn thuế đại trà không khiến người dân tăng chi tiêu ngắn hạn, mà nhiều khả năng, họ sẽ tiếp tục tăng tiết kiệm hoặc giảm nợ.

Nói khác đi, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân bị suy giảm không phải do vấn đề tiền bạc, mà là do lo ngại dịch bệnh khiến nhu cầu bị co lại tạm thời. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy các trung tâm mua sắm vắng bóng người dân đến chi tiêu, nhưng vấn đề không phải do thu nhập thấp, dòng tiền bị cạn kiệt, mà do người ta lo sợ bị lây nhiễm bệnh, nên hạn chế đến, trừ việc tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu. Điều này làm suy yếu sức cầu tạm thời, doanh nghiệp không bán được hàng, khiến tồn kho tăng ngoài dự kiến, dẫn đến giảm sản xuất, giảm sản lượng, giảm tăng trưởng.

Chính phủ có thể bù đắp sự sụt giảm tiêu dùng và đầu tư tư nhân bằng tăng chi tiêu chính phủ, trong đó chủ yếu tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đối với các dự án lớn có tính lan tỏa cao. Chính phủ cũng có thể thúc đẩy các chương trình cải cách thể chế và nâng cấp môi trường đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt hơn, qua đó tận dụng cơ hội đón dòng vốn tái định vị trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, đồng thời đón đầu trọn vẹn cơ hội khi dịch bệnh qua đi.

Một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân sẽ trở lại mua sắm, đi du lịch…, doanh nghiệp sẽ lại bán được hàng, tồn kho ngoài dự kiến giảm, sản xuất mới sẽ tăng, kinh tế sẽ khởi sắc trở lại. Sức cầu của nền kinh tế khi đó có thể được bung ra, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm tạm thời trong giai đoạn còn dịch bệnh.

Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại

Rõ ràng, thời điểm này, biện pháp y tế vẫn là quan trọng. Chúng ta hãy khoan dùng những từ đao to búa lớn như gói kích cầu hay gói kích thích kinh tế. Nếu cần một biện pháp kinh tế nào đó lúc này thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh là rất cần thiết. Điều quan trọng là cách thiết kế các chính sách hỗ trợ thế nào để tránh bị lạm dụng, nảy sinh vấn đề người ăn theo (free riders), gây lãng phí nguồn lực mà không hiệu quả.

Một số ngành, mặt hàng chịu tác động từ dịch bệnh thời gian qua như xuất nhập khẩu nông sản qua các tuyến biên giới với Trung Quốc, du lịch (trong đó chủ yếu là từ thị trường khách Trung Quốc), vận tải hàng không, logistics… Ở các ngành này, các bộ, ngành phải rà soát, đánh giá lại tác động. Như chúng ta thấy, ngay cả thiệt hại của từng ngành như vậy còn chưa tính được, thì việc tính toán các thiệt hại tổng thể của nền kinh tế hay ước tính mức suy giảm tăng trưởng GDP sẽ không thể thuyết phục. Và khi chưa tính được mức suy giảm tổng thể, thì gói kích thích kinh tế sẽ không hiệu quả. 

Chỉ khi có đánh giá tác động cụ thể lên từng ngành, lĩnh vực rồi, chúng ta mới có phương án hỗ trợ phù hợp. Như chúng ta thấy, nói là hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, nói là du lịch bị tác động…, nhưng không phải thị trường nào, mặt hàng nào, nguồn khách nào cũng bị tác động. Thiết kế các chính sách hỗ trợ cần phải rõ ràng đối tượng, điều kiện, minh bạch cách thức hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng người ăn theo, sự lạm dụng hoặc không công bằng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các ngân hàng có chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các khó khăn về hoạt động vay vốn. Đây là một hành động rất kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như miễn, giảm, giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ không thiếu tiền để cần thu ngay những đồng thuế của người dân, doanh nghiệp đang bị tác động của dịch bệnh, nên có thể tạm giãn thời gian nộp thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tăng mua để hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động của dịch bệnh nếu đó là mặt hàng Chính phủ có thể tăng mua dự trữ. Chống dịch bệnh cũng như việc cung cấp một hàng hóa công (public goods) và bởi những ngoại tác tích cực của nó, Chính phủ có thể tăng chi tiêu, tài trợ sản xuất và cung cấp cho các mặt hàng thiết bị y tế thiết yếu, như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn… và cấp phát miễn phí cho người dân, thay vì xã hội hóa là không phù hợp với nguyên lý.

Nói chung, đến thời điểm này, chưa đủ cơ sở để đưa ra những cái gọi là gói kích thích kinh tế hay gói kích cầu kinh tế. Không phải doanh nghiệp thiếu tiền, mà người dân đang sợ rủi ro lây bệnh, nên tạm thời co cụm lại. Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại. Điều quan trọng là, người dân cần có tâm lý tích cực với triển vọng chống lại dịch bệnh, còn doanh nghiệp cần có tâm lý tích cực đối với triển vọng nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, những cải cách kinh tế, thể chế, môi trường đầu tư… hơn lúc nào hết, cần được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đón đầu cơ hội ngay khi dịch bệnh qua đi.

Cũng giống như người dân sẽ theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh để hành xử, doanh nghiệp cũng sẽ cập nhật thông tin về tác động hay triển vọng kinh tế để quyết định nên như thế nào. Những thông tin không chính xác hay bị nhiễu sẽ làm người dân, doanh nghiệp, thị trường hành xử sai, đôi khi lại tai hại hơn. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh để đưa ra những đánh giá xác tín, đáng tin cậy, nhờ đó giúp Chính phủ có các giải pháp phù hợp để kinh tế Việt Nam trở nên tốt hơn.

Tin liên quan
Tin khác