Doanh nghiệp
“Đèn xanh” cho đợt tăng vốn khủng của ACV
Anh Minh - 27/12/2022 09:52
Nút thắt về nguồn vốn triển khai các đại dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ được cởi bỏ, nếu doanh nghiệp này được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Thế khó của ACV là nếu huy động vốn vay với quy mô lớn, sẽ làm giảm hiệu quả của dự án đầu tư

Giải pháp cá biệt

Sau đúng một năm xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 308/TTR-BC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chia cổ tức của ACV. Điểm nhấn quan trọng tại tờ trình này là Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và thông qua Nghị quyết của Chính phủ cho phép ACV được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế các năm tài chính từ năm 2019 đến năm 2022.

Nếu đề xuất trên được thông qua, CMSC - cơ quan được giao nắm 95,396% vốn điều lệ tại ACV sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại ACV theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của ACV sẽ tăng lên tương ứng phần lợi nhuận sau thuế còn lại (khoảng 7.845 tỷ đồng), cổ đông Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại ACV (Nhà nước không phải đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước). CMSC chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư bổ sung vào ACV theo đúng mục đích của phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Trong khi lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2016-2018 của ACV trung bình là 6.467 tỷ đồng/năm, trong đó năm đỉnh cao 2019 là 9.976 tỷ đồng, thì đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế chỉ còn là 2.071 tỷ đồng và 924 tỷ đồng vào năm 2021.

Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã được nhận được ý kiến đồng thuận cao của các bộ, ngành với phương án cho phép ACV chia cổ tức bằng cổ phiếu như là một giải pháp mang tính cá biệt, xử lý tình huống cụ thể, giúp “ông lớn” đang đóng vai trò chủ lực về đầu tư hạ tầng hàng không có đủ nguồn lực tài chính để triển khai một loạt dự án trọng yếu được Chính phủ giao thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Trong Công văn số 416/UBQLV-CNHT gửi Thủ tướng đầu tháng 4/2022, CMSC cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021-2025 mà ACV cần cân đối để thực hiện là 154.596 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này được ACV dự kiến bảo đảm từ nguồn vốn tự tích lũy của ACV và nguồn vốn huy động từ bên ngoài.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kết quả sản xuất - kinh doanh của ACV bị sụt giảm mạnh so với các năm trước. “Điều này dẫn đến ACV khó đảm bảo tích lũy được nguồn vốn để cân đối thực hiện các dự án đầu tư theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, dù nhu cầu vốn đầu tư sau khi thực hiện rà soát cắt giảm chỉ còn 113.499 tỷ đồng”, lãnh đạo CMCS cho biết.

Thế khó của ACV là nếu huy động vốn vay với quy mô lớn, sẽ làm giảm hiệu quả của dự án đầu tư, tăng gánh nặng tài chính tới hoạt động sản xuất - kinh doanh (tăng chi phí tài chính), tác động lớn đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

“Thời gian tới, khó có thể huy động vốn với mức lãi suất thấp cho việc đầu tư các dự án hạ tầng hàng không như dự kiến trước đây. Việc tích lũy tiền mặt là tối quan trọng và là giá trị để huy động vốn, vay vốn ở mức thấp, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và năng cao hiệu quả của dự án”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV đánh giá.

Áp lực cân đối vốn

Sở dĩ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu của ACV cần phải được sự chấp thuận của Chính phủ là bởi dù đã là công ty đại chúng, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần tuyệt đối tại doanh nghiệp này. Cụ thể, khoản 17, Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP quy định về phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, sau khi trích lập các quỹ, doanh nghiệp phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Điều đáng nói là, để thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào ACV (bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hay ACV nộp cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách, sau đó thực hiện đầu tư bổ sung vốn cho ACV), thì cần bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội phê duyệt và thực hiện cấp vốn cho ACV theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC cho biết, nếu thực hiện theo quy trình đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ ngân sách nhà nước, thì sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, việc tăng vốn điều lệ là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu vốn còn thiếu, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc Nội Bài.

Mặc dù đã loại khỏi danh mục khá nhiều dự án, nhưng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2023 của ACV vẫn lên tới 66.350 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn tự tích lũy tối đa chỉ là 42.508 tỷ đồng, ACV dự kiến thiếu hụt khoảng 23.842 tỷ đồng cho riêng giai đoạn 2021 - 2023.

Bên cạnh đó, CMSC cũng thử tính đến phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ trong năm 2022, 2023, nhưng do dự toán chi ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/202, nên dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 không bố trí để đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào ACV.

Ngoài ra, việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước để đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào ACV phải được cân đối, bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước. Theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, nhưng chưa tính đến nhiệm vụ chi đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả ACV).

“Thực tế hiện nay, việc cân đối nguồn thêm cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển như của ACV là rất hạn chế do rủi ro ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn theo kế hoạch và nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để dành cho chi đầu tư phát triển khả năng đạt kế hoạch là rất thấp”, lãnh đạo CMSC thừa nhận.

Tin liên quan
Tin khác