Hầm đường bộ Đèo Cả đưa vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực miền Trung nói chung |
Mở cánh cửa giao thương
Trước đây, tỉnh Phú Yên rất khó để vươn mình lớn mạnh như các tỉnh lân cận, dù có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, bởi Phú Yên có địa thế khép kín như một thung lũng, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Bắc là đèo Cù Mông, phía Tây là dãy Trường Sơn.
Không những vậy, ai đã từng đi dọc Quốc lộ 1 từ Phú Yên sang Khánh Hòa đều biết, đây là con đường nguy hiểm với nhiều khúc uốn lượn, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu.
Đến năm 2017, khi công trình hầm xuyên núi Đèo Cả đưa vào vận hành, hành trình trên cung đường này trở nên thuận lợi hơn, vì không phải chinh phục Đèo Cả với đầy hiểm nguy.
Hầm đường bộ Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là công trình hầm xuyên núi được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ trong nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của người Việt ở lĩnh vực mới mà trước đây luôn phụ thuộc vào nước ngoài.
Đến năm 2019, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông cũng chính thức đi vào hoạt động.
Việc đưa hầm đường bộ Đèo Cả và Cù Mông vào vận hành đã tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng một cách thiết thực hơn.
Một người dân Phú Yên chia sẻ: “Từ khi hầm Đèo Cả đi vào vận hành, sau đó có thêm hầm Cù Mông, tỉnh đã giải tỏa tất cả những ách tắc từ trước đến nay, nhất là tai nạn giao thông. Đặc biệt, thời gian đi qua hầm rất ngắn, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội Phú Yên phát triển vững chắc, trong đó, điều dễ thấy nhất là nhiều khu công nghiệp mới được mở ra, tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Tạo đà bứt tốc
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, hai đầu tuyến Quốc lộ 1 đi qua Phú Yên là đường đèo, phương tiện di chuyển rất mất thời gian và rất nguy hiểm, nên chắc chắn có những tác động không thuận lợi đến lưu thông, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc hầm đường bộ Đèo Cả và Cù Mông hoàn thành đưa vào sử dụng đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, trở ngại nêu trên. Những hiểm nguy rình rập đã được giải quyết hiệu quả, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí khi đi từ Phú Yên sang Khánh Hòa, Bình Định và ngược lại.
Hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông đã phá thế cách biệt của tỉnh Phú Yên, tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung. Để kích hoạt tiềm năng đó, Phú Yên cần có một cú huých đủ mạnh về hạ tầng. Đặc biệt, hầm đường bộ Đèo Cả có vai trò rất lớn đối với tỉnh Phú Yên trong việc kết nối giữa Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
“Việc này đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội giao thương, liên kết phát triển liên vùng, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều nhà đầu tư vào tỉnh, nhất là sau khi Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện”, ông Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.