- Thông hầm Đèo Cả hiểm trở: Sức người chinh phục cơn biến tạo của thiên nhiên
- Vụ án đánh bạc nghìn tỉ liên quan ông Phan Văn Vĩnh: Khởi tố thêm 4 lãnh đạo doanh nghiệp
- Dừng thanh toán cho các dự án BT do rất nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực
- Không hình thức trong chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác thi công Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sau khi Đèo Cả tiếp quản công trình. |
Chiều 13/3, trao đổi với phóng viên Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Đỗ Văn Nam – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị này vừa có văn bản số 45/2019/DCG gửi Thủ tướng Chính phủ, TAND tỉnh Phú Thọ; TAND cấp cao tại Hà Nội; Viện KSND tỉnh Phú Thọ và các bộ, ngành liên quan để làm rõ thông tin liên quan đến kiến nghị của Hội đồng xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội hôm 12/3.
Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm giao “Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ giai đoạn 2 của vụ án đánh bạc công nghệ cao đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông; Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Sài Gòn Anpha có liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, nếu có hành vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ông Nam cho biết, tại văn bản 45/2019/DCG, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ; TAND tỉnh Phú Thọ… có ý kiến cụ thể về kết quả điều tra nhằm sớm công bố công khai, kịp thời cho dư luận và doanh nghiệp được rõ các nội dung liên quan nêu trên.
“Chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành giải quyết các vướng mắc, làm rõ các nội dung trên nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và uy tín của doanh nghiệp”, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.
Theo ông Nam, do Liên danh nhà đầu tư cũ không huy động được nguồn vốn tín dụng nên Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dù được khởi công từ năm 2015 nhưng đến tháng 4/2017 vẫn chưa thể triển khai. Tại thời điểm này, Bộ trưởng GTVT khi đó là ông Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng Dự án và đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thực hiện Dự án.
Ngày 6/5/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của cá nhân ông Nguyễn Văn Dương tại Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC (đơn vị tham gia góp vốn vào doanh nghiệp dự án – Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn).
Ông Nam cho biết, việc này được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của Bộ GTVT tại Thông báo số 132/TB-BGTVT ngày 19/04/2017 về kết luận của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc về Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trong đó, giá trị cổ phần do ông Nguyễn Văn Dương chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là 329,787 tỷ đồng và bên mua đã chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Dương số tiền 270 tỷ đồng.
Số tiền mua cổ phần mà Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chưa thanh toán hết là 59,787 tỷ đồng do ông Nguyễn Văn Dương chưa thực hiện hết các cam kết trong hợp đồng. Chi tiết về việc này đã được bên mua báo cáo cơ quan điều tra tại Văn bản số 33/2018/SBRC ngày 18/04/2018, đồng thời, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã cam kết sẽ thực hiện theo kết luận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, việc chuyển nhượng này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội kiểm tra, xác nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 16 ngày 10/7/2017. Trên cơ sở này, các nhà đầu tư mới chính thức tiếp quản Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC (mới) và trở thành cổ đông chính tại Doanh nghiệp dự án.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của Doanh nghiệp dự án, Kiểm toán Nhà nước đã có Quyết định số 1432/QĐ-KTNN ngày 22/6/2018 của Tổng kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán toàn bộ quá trình đầu tư Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và đã có Thông báo kết quả kiểm toán số 535/TB-KTNN ngày 22/10/2018 xác nhận tính tuân thủ quy định pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.
Trong thông báo số 420/KTNN-TH ngày 30/8/2017, Kiểm toán Nhà nướcnêu rõ “Trình tự, thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án được thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo đối tác công tư”. Đồng thời việc chấp hành chế độ quản lý tài chính kế toán, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận “ Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay, được đơn vị hạch toán và theo dõi đầy đủ. Vốn đầu tư được quản lý sử dụng đúng mục đích, công tác giải ngân thanh toán được tiến hành kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước, của dự án. Việc chấp hành trình tự thủ tục rút vốn, giải ngân theo quy định”.
Được biết, sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia tiếp nhận Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư đã huy động tài chính, nhân lực để giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Đến nay, Dự án đã vượt tiến độ 18%, đảm bảo hoàn thành đưa công trình vào khai thác cuối năm 2019.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn ngày 24/9/2018, trên cơ sở rà soát các nội dung có liên quan, qua báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực của các bên liên quan trong việc đảm bảo tiến độ Dự án quan trọng này.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong những ngày vừa qua, việc một số cơ quan báo chí đăng tải các thông tin dựa trên kiến nghị của Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội nêu lại ý kiến sơ thẩm trước đây của TAND tỉnh Phú Thọ đã gây phương hại đến uy tín, thương hiệu mà đơn vị đã dày công đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua, đặc biệt là với các đối tác chiến lược, nhà thầu, nhà đầu tư, các cổ đông và các tổ chức tín dụng
“Những ngày qua, thông tin này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong việc thực hiện các cam kết với Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương có liên quan… nhất là khi việc đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cần hoàn thành trong năm 2019”, ông Nam cho biết.