Khoảng 5.000 tỷ đồng là khoản vốn mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã dành để giải ngân cho các dự án đầu tư của Tập đoàn trong năm nay. Đây là con số khá lớn so với tổng vốn 9.722 tỷ đồng cho 57 dự án sẽ được khởi công trong năm 2014 của Vinatex.
| ||
Ngành dệt may đang tập trung đầu tư các dự án nguyên phụ liệu để tận dụng cơ hội từ TPP |
Không những thế, hàng loạt dự án trong danh sách này sẽ được khởi công sớm, dự kiến ngay trong quý I/2014 như Dự án Khu liên hợp Sợi – Dệt, Nhuộm – May An Lão (Hải Phòng). Dự án bao gồm cả việc xây dựng hạ tầng khu liên hợp và triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sạch, xử lý nước thải và đặc biệt là khu nhà ở cho công nhân…
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, phần lớn các dự án được xác định khởi công sớm đều nhằm vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.
“Sẽ có hơn 10 dự án trọng điểm như sợi dệt kim, vải yarn dyed (vải nhuộm sợi, rồi dệt), nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc)… được triển khai gấp để sớm đưa vào hoạt động, bổ sung thêm vào năng lực sản xuất của ngành dệt may”, ông Dũng nói.
Năm 2013, Vinatex đã thực hiện 42 dự án, với tổng mức đầu tư 6.360 tỷ đồng, trong đó phần lớn vốn tập trung cho các dự án sợi và dệt (12 dự án sợi, 9 dự án dệt), và 17 dự án may và 4 dự án khác. Một trong những dự án lớn đã được Tập đoàn triển khai trong năm qua là Nhà máy sợi Phú Hưng tại Huế với quy mô 21 vạn cọc sợi, 253 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư các nhà máy sợi, mục tiêu đến năm 2017 đạt khoảng 25 vạn cọc sợi của Tập đoàn.
Như vậy, cộng gộp 2 năm 2013-2014, Vinatex đầu tư gần 17.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Điều này có nghĩa là, mục tiêu đi nhanh trong đầu tư các dự án nguyên phụ liệu, tận dụng các lợi thế về thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu mà ngành dệt may xác định là trọng tâm chiến lược trong năm 2014 này đang được các doanh nghiệp thực hiện rốt ráo.
Nói như ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2014, các hoạt động đầu tư trong ngành dệt may sẽ sôi động ở tất cả các doanh nghiệp, vì gần như đây là thời điểm cuối cùng để từng doanh nghiệp hoàn tất công tác chuẩn bị cho khả năng tận dụng cơ hội từ TPP, dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay.
“Các nội dung đàm phán giữa các quốc gia tham gia TPP đến lúc này đều cho thấy, khả năng áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi sẽ rất cao. Thực tế này là động lực để ngành dệt may tăng tốc đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu”, ông Giang nói.
Thế Hải