Giai đoạn 2022-2025, Hanosinex sẽ đầu tư 4 dự án lớn với tổng vốn dự kiến 1.300 tỷ đồng. |
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã thông qua kế hoạch đầu tư lớn cho giai đoạn 2022-2025 và chốt phương án kinh doanh năm 2022 với mục tiêu cán đích doanh thu gần 1.800 tỷ đồng.
Năm 2022, Hanosimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất ước đạt 1.789 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ 1.213 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt hơn 67 tỷ đồng (Công ty mẹ 56 tỷ đồng), cổ tức dự kiến 10%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Hanosimex đã được thông qua tại ĐHCĐ 2022. |
Mặc dù trải qua 1 năm với nhiều biến động, nhưng nhờ hưởng lợi từ giá bán sợi tăng cao, kinh doanh thuận lợi, 2 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc có nhu cầu nhập nhiều sợi của Hanosimex; đối với ngành may, doanh nghiệp cũng nhận được lượng đơn hàng lớn, có điều kiện tổ chức sản xuất hiệu quả, nên doanh nghiệp đã đạt được kết quả kinh doanh vượt xa kế hoạch.
Doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 1.668 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và vượt 11,3% kế hoạch,; Lợi nhuận hợp nhất đạt 72,5 tỷ đồng, tăng 482% so với cùng kỳ, vượt 142% kế hoạch, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ đạt 65,6 tỷ đồng, tăng 500,3% so cùng kỳ và tăng 126% so với kế hoạch.
Năm 2021, doanh thu mảng sợi đóng góp tới 49,7% trong tổng doanh thu trong khi ngành may đóng góp 24,8%, dệt 18,6%, còn lại là doanh thu từ dịch vụ và doanh thu khác.
2021 cũng là năm xuất khẩu của doanh nghiệp tăng vọt, đạt 45,3 triệu USD, tăng 53% so với 2020, trong đó xuất khẩu của Công ty mẹ đạt 36,8 triệu USD, tăng gần 59% so với 2020. Kim ngạch xuất khẩu của các công ty con tăng 31,2%, đạt 8,5 triệu USD.
Tận dụng thời cơ thị trường và khách hàng đã có với thâm niên nhiều năm sản xuất, xuất khẩu sợi và may, đồng thời đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng sợi - dệt nhuộm và may, phấn đấu trở thành đơn vị top đầu phía Bắc có chuỗi cung ứng khép kín về sản phẩm dệt kim, doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch đầu tư gần 1.300 tỷ đồng cho các dự án từ nay đến 2025.
Ngay trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ thực hiện đầu tư Dự án Tòa nhà văn phòng Tổng công ty với tổng vốn gần 350 tỷ đồng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy may Nghi Lộc (Nhà máy số 2) tại Nghệ An, quy mô 24 chuyền may, tổng mức đầu tư dự kiế 100 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022-2023.
Trong 2 năm 2023-2025, tiếp tục đầu tư Nhà máy sợi 3 tại Hà Nam, quy mô 39.000 cọc sợi - 10.800 tấn/năm với tổng vốn dự kiến 750 tỷ đồng, đến 2024-2025 đầu tư dự án Nhà máy may Nam Đàn 3, quy mô 20 chuyền may, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, các Công ty con của doanh nghiệp là Công ty CP Dệt Hà Đông - Hanosimex sẽ đầu tư 211 tỷ đồng để đầu tư thay thế thiết bị cũ để tăng năng suất lên 300 tấn khăn bông/tháng (3.600 tấn/năm) và Công ty CP Dệt kim - Hanosimex đầu tư 59 tỷ đồng để đầu tư nâng hiệu suất kết hợp mở rộng nâng công suất nhà máy lên 350 tấn/tháng, tương đương 4.200 tấn/năm.
Theo ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex, năm 2022, doanh nghiệp sẽ bám sát diễn biến thị trường, dự đoán xu hướng biến động về nhu cầu lẫn giá cả để đưa ra các quyết định kịp thời trong việc đàm phán, tiếp nhận đơn hàng, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất; lựa chọn cơ cấu mặt hàng kinh doanh tối ưu, phát huy tối đa năng lực sản xuất kinh doanh của các nhà máy.
Đối với ngành may, doanh nghiệp có kế hoạch tìm khách hàng để tăng xuất khẩu đi EU, Nhật Bản, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Với ngành dệt kim, khai thác thị trường cung cấp vải cho doạnh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; ưu tiên cho các đơn hàng FOB của Tổng công ty và chuỗi Vinatex.