Doanh nghiệp
Dệt may xây cứ điểm đón sóng TPP
Thế Hoàng - 16/08/2016 10:03
Gạt đi những tín hiệu không thuận về xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực hoàn thành và triển khai các dự án đầu tư để đón thời cơ tăng xuất khẩu từ TPP.

Xí nghiệp Veston Vĩnh Bảo (Hải Phòng), một xí nghiệp có truyền thống may veston của Tổng CTCP May 10, nhằm chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để vận hành hiệu quả, cùng thời điểm với việc xây dựng, đã bắt tay ngay vào tuyển và đào tạo trực tiếp lao động.

Nhà máy May Tuyên Quang, giai đoạn I với quy mô 20 dây chuyền may sản phẩm veston chất lượng cao xuất khẩu đi Mỹ, EU và Nhật Bản do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trực tiếp đầu tư, sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 9 tới đây. “Nhà máy May Tuyên Quang là dự án mở màn để hình thành Cụm công nghiệp dệt may đủ lớn, với mục tiêu đủ nguồn lực để đón cơ hội gia tăng xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định TPP mang lại”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết.

Với những ưu đãi thuế cho ngành dệt may khi TPP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp coi dệt may Việt Nam là cơ hội đầu tư, kinh doanh khả quan

Theo kế hoạch, đến quý III/2017, giai đoạn II sẽ được hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động, để Nhà máy có thể phát huy hết công suất, tạo ra doanh thu khoảng 800 tỷ đồng/năm. Dự án Nhà máy May Tuyên Quang chỉ là một trong chuỗi dự án đã, đang và sẽ được đầu tư mới để đón sóng TPP - Hiệp định thương mại tự do đa phương mà dệt may được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu lẫn giảm thuế.

Mới đây, Dự án may Đức Linh tại tỉnh Bình Thuận, do Tổng công ty May Nhà Bè (NBC) đầu tư cũng đã được khởi công với số vốn 400 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, công suất 3 triệu sản phẩm may mặc các loại. Ông Phạm Phú Cường, Tổng giám đốc NBC cho rằng, việc xây dựng Nhà máy May Đức Linh nằm trong chiến lược nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo mối liên kết bền vững trong kinh doanh để đủ sức cạnh tranh trên thương trường. Để khi Hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp đã chuẩn bị được cơ bản về năng lực sản xuất, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.

Là nhà cung ứng trực tiếp cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Levi’s, Nike, Walmart, Target, JC Penny, H&M..., Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương không bỏ qua cơ hội đón thị trường xuất khẩu từ TPP. Doanh nghiệp này hiện đang đôn xúc tiến đầu tư vào Dự án Dệt, nhuộm, may tại huyện Cần Đước (tỉnh Long An), với vốn đầu tư giai đoạn I lên tới 600 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn I, Công ty sẽ cân đối vốn để đầu tư tiếp giai đoạn II, nâng tổng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất lên khoảng 10.000 lao động, với tổng vốn đầu tư giai đoạn này từ 1.300 đến 1.400 tỷ đồng.

Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ Amcham, chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, dệt may là 15,2 tỷ USD. Amcham ước tính, đến 2025, xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ chạm mốc 20 tỷ USD. Tính toán của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho thấy, chỉ riêng hàng dệt may, nếu xuất 10 tỷ USD thì phần thuế đã mất 1,7 tỷ. Nếu TPP có hiệu lực, thuế giảm về 0%, thì ít nhất Việt Nam có thể phát triển thị phần thêm gấp đôi trong 10 năm tới.

Điều kiện ngặt nghèo về quy tắc xuất xứ tại mỗi hiệp ước thương mại, trong đó với TPP, là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” vừa là trở ngại, nhưng về dài hạn, đó là động lực để doanh nghiệp lập chiến lược đầu tư, điều chỉnh hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với những ưu đãi thuế cho ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp coi dệt may Việt Nam là cơ hội đầu tư, kinh doanh khả quan. Minh chứng là Công ty TNHH Sakai Amiori, đến từ tỉnh Fukui là một trong những Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dệt may của Nhật Bản đã tìm đến khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) ký kết hợp đồng thuê đất để đầu tư nhà máy.

Tin liên quan
Tin khác