Doanh nghiệp
ĐHCĐ FECON: Tăng vốn, nới room ngoại lên 100%, hướng mốc doanh thu 4.200 tỷ đồng
Chí Công - Kỳ Thành - 26/04/2019 09:39
Sáng nay (26/4) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Công ty cổ phần FECON (mã FCN – sàn HoSE) đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP FECON đang diễn ra tại Hà Nội

Tại đại hội năm nay, bên cạnh việc báo cáo, trình các cổ đông thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018, thảo luận góp ý vào kế hoạch thực hiện năm 2019, FECON cũng sẽ tiến hành bầu ra Hội Đồng Quản trị nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Đại hội FECON năm 2019 diễn ra ngay sau khi FECON đạt được thỏa thuận và tổ chức ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với một trong những Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về xử lý nền, công trình ngầm và xử lý sạt trượt là RAITO Kogyo.

Theo đó, với việc nhận chuyển nhượng toàn bộ trái phiếu chuyển đổi từ Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ) đang sở hữu và 2.417.620 cổ phiếu trên thị trường, RAITO Kogyo sẽ sở hữu trên 19% vốn điều lệ của công ty FECON mẹ và 9.423.828 cổ phiếu tương ứng với 36% vốn điều lệ cổ phần Công ty công trình ngầm FECON (FCU).

Với sự giúp đỡ về tài chính và công nghệ của Tập đoàn Raito Kogyo, Ban lãnh đạo FECON kỳ vọng sẽ sớm chinh phục mục tiêu chiến lược trở thành doanh nghiệp hàng đầu về nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam và mở rộng tầm nhìn trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025.

“Tôi rất muốn họ sẽ đầu tư thêm để chúng tôi có nguồn lực tài chính, công nghệ để phát triển các dự án mục tiêu, nâng giá cổ phiếu và cải thiện các chỉ số tài chính, mang lại sự phát triển bền vững cho công ty và nâng cao đời sống người lao động trong công ty nói riêng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội nói chung”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON chia sẻ.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP FECON phát biểu tại Đại hội

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, trong khoảng thời gian từ 2014 – 2018, số lượng các dự án trọng điểm của quốc gia liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng có sự tham gia của FECON với vai trò quan trọng như một Nhà thầu địa phương giàu kinh nghiệm, một nhà đầu tư chuyên nghiệp, đang ngày càng nối dài như: Dự án Metro Line số 1 Hồ Chí Minh, Dự án Metro Line số 3 Hà Nội, Dự án Nhà máy thép Hòa Phát, Dự án Hóa dầu Long Sơn, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án đầu tư điện năng lượng Mặt trời Vĩnh Hảo 6, Dự án đầu tư Quốc lộ 1 - đoạn tránh - TP. Phủ Lý - Hà Nam...

Những dự án đó đã mang lại cho FECON nhiều thành quả và sự phát triển ấn tượng qua từng năm.

Về đầu tư, trong 5 năm qua, hoạt động đầu tư của FECON diễn ra mạnh mẽ và đã thu lại được những kết quả đáng kể.

Việc đầu tư vào các công ty con, điển hình như việc thành lập CTCP Công trình ngầm FECON đã giúp FECON chiếm lĩnh được thị trường trong mảng công trình ngầm và Jet Grouting tại Việt Nam với việc tham gia thi công các dự án lớn như: Metro Line 1 Hồ Chí Minh, Metro Line 3 Hà Nội...

Việc thành lập CTCP FECON South đã góp phần khẳng định thương hiệu của FECON tại thị trường phía Nam khi hoàn thành các dự án lớn như: Empire City, Dự án của Gamuda Land.

Ngoài ra, những khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn đã đem về cho Công ty thu nhập đáng kể như: Thoái vốn tại Cienco 1 đem về lợi nhuận 21 tỷ đồng trong năm 2015 - 2016; thoái vốn tại FCC đem về lợi nhuận 27 tỷ đồng trong năm 2017; thoái vốn tại Dự án Phú Quốc thông qua công ty con FCI đem về lợi nhuận 54 tỷ đồng trong năm 2017; thoái vốn tại dự án đầu tư Năng lượng mặt trời Vĩnh Hảo 6 đem về lợi nhuận khoảng 104 tỷ đồng vào năm 2018 - 2019; thoái vốn tại CTCP Công trình ngầm FECON mang lại khoản lợi nhuận 47 tỷ đồng vào năm 2019.

Khoản đầu tư 3,7 triệu cổ phiếu vào Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải TEDI với giá trung bình được đánh giá là thấp hơn so với giá thị trường và đem về giá trị cổ tức trung bình từ 13-20%/năm cho FECON.

Bên cạnh đó, việc đầu tư mạnh mẽ vào máy móc thiết bị đã giúp FECON nâng cao năng lực thi công để cạnh tranh được với các đối thủ mạnh cùng ngành mang về các dự án lớn trong suốt những năm 2014 - 2018 như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú, Nhà máy thép Hòa Phát, Nhà máy hóa dầu Long Sơn, Khu phức hợp Lotte Mall Hà Nội, Cảng quốc tế Thilawa Myanmar…

Riêng năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của FECON ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 2.846 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất: 248,7 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của FECON

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, sau 5 năm, tổng tài sản của FECON tại thời điểm 31/12/2018 đạt 4.716 đồng, tăng 114% so với năm 2014. Trung bình doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng lần lượt ở mức 22% và 15% hằng năm.

Nhìn nhận cho sự phát triển của công ty trong thời gian tới, Ban lãnh đạo FECON đưa ra mục tiêu doanh thu hàng năm tăng tối thiểu 25% so với năm trước đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu đạt tối thiểu 9% trở lên và tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông hàng  năm dự kiến là 10%. Mục tiêu đến 2024, tổng doanh thu hợp nhất toàn hệ thống FECON đạt gần 12.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong năm 2019 - năm kỷ niệm 15 năm thành lập công ty, Ban lãnh đạo FECON đã đưa ra chỉ tiêu cao.

Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019 của FECON

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Lãnh đạo FECON cho biết sẽ tiếp tục tối ưu hóa nguồn lực để phát triển công tác bán hàng và đấu thầu dự án thông qua kết nối các mối quan hệ để phát triển kinh doanh và tiếp cận sớm các dự án thi công đạt doanh số cam kết

Chủ động hợp tác, liên danh các Tổng thầu để tham gia các dự án công nghiệp và đô thị lớn, hạn chế tối đa tham gia với vai trò thầu phụ

Tiếp tục phát triển mảng cốt lõi bao gồm thi công cọc, xử lý nền, công trình ngầm và đô thị, Xây dựng hạ tầng giao thông, Hạ tầng thủy lợi, Xây dựng công trình công nghiệp

Tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường kinh doanh trong thi công và phát triển công nghệ ở lĩnh vực công trình ngầm đô thị, hạ tầng giao thông và đầu tư năng lượng sạch với các đối tác lớn, có uy tín trên thế giới. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư và phát triển các dự án hạ tầng tại các nước trong khu vực Asean như: Myanamar, Lào, Singapore.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, FECON sẽ hợp tác đầu tư với các đối tác đầu tư, tài chính trong và ngoài nước cho các dự án hiệu quả cao thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng năng lượng sạch, Xử lý chất thải rắn và chống ngập, chống xói lở nhằm triển khai dự án thành công và nâng cao vị thế tài chính.

Đặc biệt sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai đầu tư vào các dự án năng lượng, dự án giao thông, phát triển đô thị.

Các dự án FECON đầu tư, tham gia góp vốn đầu tư giai đoạn 2019 - 2024

.

 
04/26/2019 10:05

Ban lãnh đạo FECON cũng trình Đại hội thông qua mức cổ tức năm 2018 là 10%, trong đó 5% chi trả bằng tiền mặt và 5% chi trả bằng cổ phiếu, nhằm phục vụ việc tăng vốn, tăng năng lực cho công ty.

 
26/04/2019 10:10

Cũng tại Đại hội, Ban lãnh đạo FECON đã báo cáo kết quả tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu:

Tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành năm 2018
 
04/26/2019 10:13

Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức, tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, FECON cũng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần để chuyển đổi trái phiếu cho các trái chủ.

Sau các đợt phát hành này, vốn điều lệ của FECON sẽ tăng từ 943 tỷ đồng lên hơn 1.195 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, FECON dự kiến phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phần (tổng giá trị theo mệnh giá là 250 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án đã được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/8/2017.

 
04/26/2019 10:17

Để tạo điều kiện cho việc tham gia của nhà đầu tư chiến lược trong năm 2019, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc nới room sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu của Công ty là 100% vốn điều lệ và ủy quyền cho HĐQT tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để hoàn thành việc nới room này.

 
04/26/2019 10:54

Một nội dung quan trọng của kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 là bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Danh sách ứng viên để bầu làm thành viên HĐQT FECON nhiệm kỳ 2019 - 2024:

STT

Họ và tên

Ghi chú

1

Phạm Việt Khoa

 

2

Hà Thế Phương

 

3

Trần Trọng Thắng

 

4

Hà Thế Lộng

 

5

Phùng Tiến Trung

 

6

Satoyuki Yamane

 

7

Nguyễn Hữu Thái Hòa

Ứng viên độc lập

8

Phạm Trung Thành

Ứng viên độc lập

9

Nguyễn Song Thanh

Ứng viên độc lập

 
04/26/2019 11:33

Đại hội bước vào phần thảo luận, hỏi đáp.

Đại diện quỹ PYN:

Cơ sở để công ty đạt mức doanh thu lợi nhuận đột biến thế nào?

Phát hành cho cổ đông chiến lược thì kế hoạch này có điều chỉnh không?

Biên lợi nhuận gộp 2019 thế nào, so sánh với 2018?

Phát hành 25 triệu CP ở giá nào?

Ý kiến sử dụng đơn vị kiểm toán: Doanh thu ngày càng lớn, vốn trên 1.000 tỷ. CTA đã kiểm toán từ 2013, FECON nên sử dụng Big 4 để tăng tính minh bạch.

Trong 5 năm gần đây FECON chỉ đạt 90% kế hoạch. Đề nghị trả thù lao và thưởng theo KPI.

Cổ đông FCN 400:

Công ty đã có liên doanh Myanmar, hiện nay hoạt động thế nào?

Việc tăng vốn liên tục sẽ pha loãng quyền lợi?

Thời điểm chi trả cổ tức 2018?

Cổ đông FCN 391:

Dự án Vĩnh Hảo 6, tài liệu nói năm vừa qua thoái vốn lãi 104 tỷ, tỷ lệ còn 40%. Tại sao không giữ 100% mà bán?

Định hướng 5 năm tới, chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tăng khá. Cổ tức chỉ 10% thì lại buồn, đề nghị tăng.

Giá chuyển đổi của trái phiếu là bao nhiêu?

Cổ đông FCN 83:

Dự án Vĩnh Hảo 6 công ty nắm 40%. Kế hoạch phát điện, doanh thu lợi nhuận?

Khoản phải thu cao, chiếm hơn 50% tổng tài sản khiến dòng tiền âm liên tục. Kế hoạch khắc phục thế nào?

Dự án trọng điểm trong năm 2019 – 2020?

Trong những năm tới có tăng vốn không? Bố trí vốn cho các dự án thế nào?

Thù lao HĐQT, BKS hơi cao so với mặt bằng chung.

 
04/26/2019 11:57

Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa là người đầu tiên đăng đàn trả lời câu hỏi của cổ đông.

Về cơ sở đặt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới, ông Khoa cho biết, 5 năm vừa qua công ty đã đầu tư nhiều vào các tài sẳn, máy móc thiết bị liên quan đến công trình ngầm, đặc biệt. Đó là thời gian đầu tư, đào tạo đội ngũ, và 5 năm tới đây mới là giai đoạn khai thác.

Bên cạnh đó, 2 năm qua, các dự án hạ tầng hầu như dậm chân tại chỗ, ko có dự án mới. Sự chậm trễ đấy đã tới hạn, tới đây Chính phủ sẽ phải thúc đẩy triển khai các dự án như metro, thoát nước ngầm, giao thông, thông qua vốn ngân sách, vốn FDI, thông qua các hình thức hợp tác PPP... Đó là cơ sở để tin rằng trong thời gian tới nhưng công trình hạ tầng nhiều lên.

Trong danh sách các dự án, có một số dự án theo đuổi 4-5 năm nay, hay các dự án trọng điểm có tiềm năng như Dự án thoát nước thải Yên Xá Hà Nội, gói thầu metro 3 Hà Nội, nhiệt điện Nam Định, nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án hóa dầu Long Sơn...

Tại Myanmar, FECON đang cùng đơn vị lớn của Nhật tham gia vào dự án cầu biên giới, sẽ đấu thầu trong thời gian tới. Đã ký hợp đồng trên 100 tỷ, sắp tới ký thêm hợp đồng 200 tỷ nữa cho dự án cầu Bago sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Các dự án tại Myanmar rất hấp dẫn, đem đến nhiều cơ hội do nhu cầu về hạ tầng tại Myanmar đang bùng nổ, ông Khoa thông tin thêm.

Về kế hoạch phát hành 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, ông Khoa cho biết kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở tiềm năng đàm phán phát hành thành công với mức giá không dưới 22.000 đồng/cổ phần. Việc đàm phán đã thực hiện kỹ và dài hơn 1 năm qua, nhưng thị giá thấp ảnh hưởng tới việc đàm phán. Họ đưa ra nhiều điều kiện độc quyền cao, đầu tư vào dự án nào phải đàm phán với họ. Vừa rồi đàm phán không đồng ý với các điều kiện đó. Hiện FECON đang đàm phán với nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc.

Về câu hỏi vì sao FECON không chào bán cho Raito, ông Khoa chia sẻ, việc có nắm nhiều hơn do quyết định của Raito, nhưng Raito tham gia vào FECON không nhằm thôn tính, quản trị mà là đối tác chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp.

 
04/26/2019 12:15

Về đề xuất của đại diện quỹ đầu tư PYN là nên chọn đơn vị kiểm toán trong Big 4, ông Khoa cho biết, danh sách trình cổ đông đã có công ty nhóm Big 4, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ thảo luận và đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Về thưởng và thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát, ông Khoa cho biết, mỗi năm đều tăng thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát. Việc tăng lương, thù lao là bắt buộc, nhất là trong HĐQT có các đối tác nước ngoài, đặc biệt năm nay dự kiến có sự tham gia của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa. Ông Hòa sẽ hỗ trợ công ty về chiến lược cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị công ty.

Về lo ngại pha loãng cổ phiếu khi phát hành thêm, ông Khoa lý giải, việc phát hành thêm nhằm huy động vốn và dòng tiền, nếu không phát hành thì phần lớn lợi nhuận làm ra sẽ phải sử dụng để trả lãi cho ngân hàng. "Trong dài hạn, tôi tin rằng giá trị cổ phiếu sẽ tốt lên", ông Khoa khẳng định.

Về dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, tháng 6/2019 sẽ vận hành. Việc thoái vốn đã đem lại lợi nhuận và dòng tiền mặt ngay. Trong tương lại, phương châm của FECON là chuyển dịch từ nhà thầu sang nhà phát triển dự án, việc thoái một phần vốn tại các dự án này sẽ đem lại nguồn tiền mặt để đầu tư dự án khác.

Về đề nghị tăng cổ tức, ông Khoa mong cổ đông chia sẻ. Theo ông Khoa, nguồn vốn để lại sẽ sử dụng để tái đầu tư, khi các dự án phát triển tốt sẽ góp phần tăng giá cổ phiếu, đem lại giá trị cao nhất cho nhà đầu tư.

Về việc phát hành cổ phiếu chuyển đổi trái phiếu, ông Khoa cho biết, giá chuyển đổi không được tiết lộ theo điều khoản thỏa thuận với đối tác nhưng khẳng định là cao hơn thị trường.

 
04/26/2019 12:37

Đại hội đã bỏ phiếu và thông qua các tờ trình với tỷ lệ tán thành cao. Đại hội bế mạc.

Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát FECON nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt cổ đông

Danh sách thành viên HĐQT FECON trúng cử nhiệm kỳ 2019 - 2024:

STT

Họ và tên

Chức danh

1

Phạm Việt Khoa

Chủ tịch HĐQT

2

Hà Thế Phương

Phó Chủ tịch

3

Trần Trọng Thắng

Phó Chủ tịch Thường trực

4

Hà Thế Lộng

Ủy viên

5

Phùng Tiến Trung

Uỷ viên

6

Satoyuki Yamane

Uỷ viên

7

Nguyễn Hữu Thái Hòa

Uỷ viên

8

Phạm Trung Thành

Uỷ viên

9

Nguyễn Song Thanh

Uỷ viên

Tin liên quan
Tin khác