Sáng 30/6, Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HOSE) tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với tất cả các tờ trình, nội dung được thông qua.
Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của FECON được tổ chức theo hình thức trực tuyến. |
Bước chạy đà vô cùng thuận lợi để thực hiện thành công chiến lược giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030
Trình bày báo cáo tại đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON đánh giá, năm 2020 được coi là một năm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng do đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam rất vất vả để có thể “giữ mình” trước cơn bão dịch bệnh thì FECON lại là một trong những đơn vị duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Kết thúc năm 2020, vốn điều lệ của FECON là 1.254 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản tăng 19,9% lên 6.780 tỷ đồng. Mặc dù không đạt kế hoạch đặt ra đầu năm, nhưng công ty ghi nhận doanh thu 3.154 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng.
Năm 2020 ghi nhận doanh số ký hợp đồng kỷ lục với tổng giá trị hợp đồng đã ký trên toàn hệ thống gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển là Xây dựng công nghiệp, trong đó nổi bật là các dự án năng lượng sạch... khi trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa - Hòa Đông, dự án Quốc Vinh Sóc Trăng... Giá trị hợp đồng ký mới ghi nhận cho các dự án điện gió mà FECON tham gia là trên 2.000 tỷ đồng.
Tại các dự án điện gió, FECON đều giữ vai trò nhà tổng thầu phần xây dựng và hạ tầng (CBOP), đảm nhận toàn bộ phần thiết kế và thi công các kết cấu chính và hạ tầng kỹ thuật cho công trình. Đây là một bước chạy đà vô cùng thuận lợi cho FECON trong việc thực hiện thành công chiến lược giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, từng bước khẳng định năng lực của công ty với vai trò là tổng thầu.
FECON cho biết, trong năm 2020, mặc dù mảng đầu tư chưa hiện thực hóa được lợi nhuận để đóng góp vào kết quả của Công ty, nhưng cũng mang lại những thành quả tích cực như việc hoàn thành thủ tục và đi vào triển khai dự án đầu tư Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng 30 MW có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng với mục tiêu phát điện vào tháng 8/2021.
Bên cạnh các dự án năng lượng sạch tại Bình Thuận, Gia Lai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, FECON tiếp tục theo đuổi và phát triển các dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Giang và các dự án bất động sản đô thị tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Đồng Tháp.
Nổi bật trong các thành quả trên là dự án điện gió ngoài khơi 500 MW khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý chủ trương cho phép FECON thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ đối với dự án nhà máy điện gió trên biển với tổng công suất dự kiến 500 MW, diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 120 km2 vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy tính đến nay, trong danh mục phát triển đầu tư dự án của FECON, có trên 1.000 MW năng lượng tái tạo, trên 800 ha khu công nghiệp và trên 250 ha khu đô thị.
Trong năm 2020, FECON cũng đã phát hành thành công 130 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua 2 đợt phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của FECON, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2020 của Công ty mẹ là 115,3 tỷ đồng. FECON sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Ông Phạm Việt Khoa cho biết, FECON là một trong những đơn vị duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trước những khó khăn của năm 2020 |
Mục tiêu doanh thu 3.900 tỷ đồng, phát hành 32 triệu cổ phần trong năm 2021
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng, lãi sau thuế 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 31% so với thực hiện năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FECON |
Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, công ty đã xây dựng các kịch bản ứng phó với các tác động của dịch bệnh, củng cố và duy trì sự phát triển ổn định của FECON, tích lũy nội lực để tạo đà tăng trưởng trong tương lai ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Để hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra, ông Khoa cho biết, toàn Tập đoàn cần tập trung sáng tạo, tận dụng các cơ hội của thị trường, HĐQT cùng Ban điều hành công ty triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Nâng cao tỷ trọng doanh thu các mảng kinh doanh chiến lược; Nâng cao nền tảng tài chính, tái cấu trúc mảng đầu tư dự án theo hướng tập trung để hiện thực hóa các cơ hội tạo bứt phá về lợi nhuận cho công ty; Kiểm soát chi phí hiệu quả thông qua việc cắt giảm lãng phí.
Đồng thời, phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh tổng thầu chuyên nghiệp, cung cấp giải pháp tổng thể tối ưu, quản lý dự án chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh phát triển đội ngũ đấu thầu EPC, quản lý dự án, chuỗi cung ứng & phát triển mối quan hệ ... trong các mảng chiến lược mới, đặc biệt là mảng xây dựng công nghiệp và mảng đầu tư; Đẩy mạnh khai thác ứng dụng công nghệ thông tin (4.0) trong hoạt động doanh nghiệp…
Đặc biệt, để nâng cao năng lực tài chính để tài trợ cho việc phát triển và triển khai các dự án sắp tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo và môi trường, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, tại đại hội lần này, FECON cũng thông qua phương án phát hành 32 triệu cổ phần tăng vốn với giá chào bán 13.000 đồng/cổ phần. FECON kỳ vọng sẽ thu về 416 tỷ đồng nhờ đợt phát hành này, qua đó tăng vốn điều lệ lên 1.574 tỷ đồng.
32 triệu cổ phần nói trên được FECON dự kiến phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính theo quy định. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.