Tài chính - Chứng khoán
ĐHĐCĐ 2021: GELEX xem xét giảm quy mô mảng điện gió, lên phương án định giá GELEX Electric
Hồng Phúc - 20/06/2021 18:46
Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GELEX, HoSE:GEX) đang xem xét giảm 50 MW mảng điện gió, chỉ giữ lại 90 MW bởi có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm.

Đây là thông tin do ban lãnh đạo GELEX đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa được tổ chức, theo hình thức trực tuyến. 

Tại Đại hội, cổ đông băn khoăn về kế hoạch đầu tư lớn cho mảng điện gió của GELEX liệu có thể đảm bảo được tiến độ để được giá ưu đãi của Nhà nước hay không, ban lãnh đạo Tổng công ty cho biết, GELEX đang xem xét giảm quy mô công suất mảng điện gió khoảng 50 MW trong năm nay. 

Cụ thể, tiến độ của các dự án điện gió phụ thuộc vào hai yếu tố là điều kiện đấu nối và tiến độ thi công. 

Về điều kiện đấu nối, dự kiến tháng 7 sẽ hoàn thành còn tiến độ thi công thì GELEX đã hoàn thành việc xây dựng và đang triển khai kế hoạch lắp thiết bị. Như vậy, dự kiến đến tháng 9 năm nay có thể hoàn thành các dự án điện gió.

Tuy nhiên, đại diện GELEX cho đánh giá, năm nay, dự kiến hệ thống điện Việt Nam sẽ có thêm 5.500 đến 6.000 MW điện gió được đưa vào hoạt động, tạo thêm áp lực giảm phát và sa thải công suất cục bộ trong ít nhất 1-3 năm tới. 

Theo đó, để giảm thiểu rủi ro cho danh mục, giảm hệ số nợ cho nhóm công ty và hiện thực hóa một phần lợi nhuận từ tài sản được đầu tư, GELEX đang xem xét giảm 50 MW và chỉ giữ lại 90 MW. 

Ban lãnh đạo Tổng công ty này lý giải, việc đầu tư năng lượng tái tạo đã được nghiên cứu kỹ về vị trí và phụ tải các khu vực. 

Các dự án vận hành của GELEX gồm dự án nhà máy Ninh Thuận, các dự án điện mái và 5 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng công suất 140 MW đang được đang triển khai. 

Việc quá tải tải công suất truyền tải được cho là không ảnh hưởng đến các dự án nêu trên.

GELEX có mảng sản xuất công nghiệp; hạ tầng (bất động sản khu công nghiệp và thương mại) và mảng điện (nguồn điện, điện mặt trời, điện gió và dự kiến có điện gió ngoài khơi).  

Một mặt giảm quy mô điện gió sắp đưa vào vận hành, chỉ giữ lại khoảng 90 MW nhưng mặt khác, GELEX dự kiến sẽ đầu tư vào điện gió ngoài khơi (Ảnh minh hoạ: GELEX).

Về kế hoạch đầu tư cũng như M&A trong 3 mảng nói trên trong 3 năm tới sẽ được GELEX thực hiện theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư lớn cho mảng bất động sản khu công nghiệp gắn liền với bất động sản đô thị và thương mại dịch vụ. 

Đồng thời, giảm quy mô danh mục nguồn điện hiện hữu và tập trung công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi cũng như “tiếp tục đầu tư thích đáng” cho mảng sản xuất thiết bị điện.

Ngoài ra, Tổng công ty này đang lên phương án định giá GELEX Electric (Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex- PV) để có phương án IPO có hiệu quả nhất cũng như làm việc nội bộ để xây dựng bức tranh tổng thể cho mảng hạ tầng giai đoạn 2021- 2025.

Trong năm nay các thương vụ đầu tư, M&A sẽ tiếp tục được GELEX thực hiện. 

Cụ thể, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Tổng công ty Viglacera (VGC). Tính đến đầu quý II/2021, mục tiêu này đã hoàn thành khi GELEX và công ty thành viên đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 50,21%.

Về việc mua phần vốn còn lại tại VGC, ban lãnh đạo GELEX cho biết, việc thoái vốn nhà nước ở VGC thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng. 

Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ về việc thoái vốn VGC trong năm 2022. Tuy nhiên, đối với nhiệm kỳ mới của Chính phủ và tình hình dịch bệnh đang diễn ra nên chưa triển khai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình phương án từ phương án của Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng phương án thoái. 

Về việc tái cấu trúc Viglacera, với mảng vật liệu xây dựng, VGC sẽ tập trung đầu tư, mở rộng mảng kính xây dựng và gạch ốp lát thông qua M&A. 

Với mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ tập trung phát triển thêm các dự án mới gắn liền với phát triển khu đô thị vệ tinh, cải thiện lợi nhuận gộp. 

Tác động từ đại dịch, GELEX bị ảnh hưởng nhất định về giá nguyên liệu, tiến độ công tác, nhân lực thực hiện còn việc đứt gãy cung ứng là không xảy ra.

Nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục đà tăng như thời gian qua, ban lãnh đạo Tổng công ty này cho biết sẽ phải tăng giá thành sản phẩm mảng kinh doanh thiết bị điện; đồng thời cân đối một cách thận trọng về sự chấp nhận của thị trường. 

Đầu tháng 6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) thông qua việc triển khai phương án phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá chào bán thấp nhất dự kiến là 30.800 đồng/cổ phiếu, giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.600 đồng/cổ phiếu. Tương ứng, NLG dự kiến có thể thu về 1.848 - 2.256 tỷ đồng từ đợt chào bán này.

Trong danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dự kiến được lựa chọn mua cổ phiếu đợt phát hành bên cạnh các quỹ ngoại còn có 2 cổ đông nội, bao gồm GELEX.

Cổ đông bày tỏ thắc mắc về tính hiệu quả khi tham gia mua 15 triệu cổ phiếu NLG thì ban lãnh đạo GELEX cho rằng, mảng bất động sản là định hướng chiến lược dài hạn của Tổng Công ty. 

Vì vậy, GELEX đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư và Nam Long là một đối tác. Họ đang trong quá trình trao đổi, tìm kiếm và đánh giá cơ hội đầu tư này.

GELEX dự kiến doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 12.234 tỷ đồng, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt xấp xỉ 43% kế hoạch năm.

Trong đó, doanh thu mảng điện hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ và chiếm tới 53,3% so với kế hoạch; doanh thu mảng hạ tầng dự kiến đạt 456 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ và đạt 42% kế hoạch năm.

Tin liên quan
Tin khác