Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ Coteccons: Lên kế hoạch tăng trưởng và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài
Duy Bắc - 17/10/2023 16:03
Chiều 17/10, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD - sàn HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cho niên độ tài chính năm 2024.

Mở đầu Đại hội, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, 6 tháng qua, Công ty đã phân tích cơ hội, thách thức. Nhìn chung, thị trường chưa khởi sắc, tăng trưởng GDP đang dưới kỳ vọng, ở góc độ vĩ mô chưa có khởi sắc rõ ràng ở lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM, Hà Nội, chỉ một vài giấy phép được cấp cho các dự án mới.

Một số tín hiệu tích cực là thị trường đang hồi phục, dự kiến tới quý II/2024 mới thấy dấu hiệu hồi phục rõ hơn. Hiện tại, Công ty lập kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Trong đó, Việt Nam vẫn đang cho thấy điểm sáng thu hút vốn FDI, điều này dẫn tới nhu cầu xây dựng mới nhà máy, nhà xưởng, nhà kho trong thời gian tới.

“Chúng ta không làm gì để thay đổi thị trường, nhưng luôn tìm được những cơ hội để có bước nhảy vọt”, ông Bolat Duisenov nhấn mạnh.

Về kế hoạch kinh doanh, trong niên độ tài chính năm 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024), Coteccons đặt kế hoạch doanh thu 17.793 tỷ đồng, tăng 163,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 274 tỷ đồng, tăng 424,6% so với thực hiện trong niên độ tài chính năm 2023.

Được biết, trước đó, trong niên độ tài chính năm 2023, Coteccons ghi nhận doanh thu 6.744 tỷ đồng, hoàn thành 88% so với kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 52 tỷ đồng, hoàn thành 118% so với kế hoạch năm.

Quay trở lại định hướng kinh doanh trong niên độ tài chính 2024, Coteccons lên kế hoạch đẩy mạnh repeat sales, nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng và hiệu suất lao động tại các công trường; hướng đến các chuẩn mực quốc tế nhằm kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống, tinh gọn bộ máy và tối ưu hoá chi phí; thúc đẩy hiệu quả hoạt động, văn hoá kinh doanh, đặc biệt là tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ con người cho các nhiệm vụ ngày càng cao hơn.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm tài chính 2023, Coteccons thông qua việc không trả cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận.

Liên quan tới vụ kiện gần đây, Ban lãnh đạo cho biết Công ty đã có đơn kiện từ những nhà thầu thuộc nhóm quản lý cũ và phát sinh trước năm 2019 liên quan tới công tác quyết toán công việc thanh toán.

Được biết, ngày 24/7, Coteccons nhận được thông báo của Toà án Nhân dân TP.HCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty do tranh chấp hợp đồng kinh tế với CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons. Trong đó, thời điểm cuối quý II/2023, dư nợ của Công ty Coteccons và Ricons là hơn 322 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, Toà án đã bác bỏ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.

Coteccons thành lập công ty con tại nước ngoài

Trước thềm Đại hội, ngày 7/10, Công ty Coteccons ra quyết định thành lập Công ty Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng, với mục tiêu chính là cung cấp dịch vụ xây dựng tại thị trường nước ngoài. Trong đó, hình thức đầu tư ra nước ngoài bằng tiền mặt, vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu và không sử dụng vốn vay.

Thực tế, động thái trên của Coteccons nằm trong kế hoạch của Ban lãnh đạo. Trong đó, tháng 8/2023, ông Christopher Senekki được phân công đảm nhận nhiệm vụ mới là nghiên cứu mở rộng kinh doanh của Coteccons và các công ty con ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Senekki cũng được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc tại Công ty TNHH Covestcons (công ty con của CTD).

Trước đó, ông Christopher Senekki giữ chức Phó tổng giám đốc Coteccons và được miễn nhiệm ngày 25/08 để đảm nhận nhiệm vụ mới tại Covestcons.

Ban lãnh đạo Coteccons trả lời câu hỏi của cổ đông trong phiên thảo luận.

Phần thảo luận:

Công ty có chiến lược gì để khai thác tiềm lực và phát triển hoạt động cốt lõi trong tương lai. Hợp tác ngoài ngành xây dựng sẽ đóng góp như thế nào vào doanh thu, cũng như chiến lược phát triển thị trường nước ngoài?

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT: Ở góc độ cấp cao, Công ty đang 3 vấn đề, làm sao để Công ty luôn là lựa chọn số một của khách hàng; lựa chọn hàng đầu của tài năng; và cuối cùng đa dạng hoá doanh thu cho Công ty thông qua đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh.

Công ty luôn tập trung vào nội lực, đa dạng hoá mô hình kinh doanh là điều phải làm, việc đa dạng hoá kinh doanh sẽ cần thời gian; tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất về chất lượng xây dựng, năng lực xây dựng, Công ty sẽ thực hiện và bàn giao được tất cả dự án có độ khó nhất. Với danh mục khách hàng, chiến lược phát triển, kết quả kinh doanh đang khởi sắc hơn với trước đây.

Có thông tin số lượng cán bộ nhân viên nghỉ việc gia tăng, điều này ảnh hưởng như thế nào tới Công ty?

Ông Vũ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc: Thị trường bất động và xây dựng đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang có nhiều biện pháp để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Trong đó, dưới góc độ doanh nghiệp việc chủ động giảm hay tăng nhân sự là chuyện bình thường đối với Công ty.

Vừa qua, trong thời Covid-19, Công ty không cắt giảm và vẫn giữ lương cho nhân sự. Trong đó, chính sách đối với nhân sự hướng tới con người.

Việc tăng giảm nhân sự không liên quan tới chính sách lương thưởng mà làm sao để giữ được nhân sự tốt nhất đối với Công ty..

Unicons có kế hoạch IPO không?

Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc Unicons: Chiến lược phát triển của Unicons, IPO là một trong những chiến lược và giải pháp nhưng hiện tại chưa chia sẻ cụ thể. Hiện tại, Unicons đang làm nhiều dự án trên khắp mọi miền ở Việt Nam, điều đó cho thấy năng lực của thương hiệu.

Giá trị hợp đồng ký mới, góc nhìn về ngành xây dựng, bất động sản năm 2024?

Ông Vũ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc: Giá trị hợp đồng backlog trên 20.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận thị trường bất động sản năm 2024, thực ra đối với Công ty, dự án công nghiệp, dự án có vốn FDI, nhiều dự án mang lại doanh thu cho Công ty. Trong năm 2023, hồi phục thị trường bất động sản không được như kỳ vọng. Với tình hình hiện tại, đà hồi phục sẽ đến từ năm 2024, từ đó giúp khối lượng công việc cho Coteccons lớn và nhiều, thị trường bất động sản sẽ hồi phục nhanh năm 2024.

Công ty có tiếp tục tham gia đầu tư dự án đầu tư công sau thất bại dự án Sân bay Long Thành?

Ông Bolat Duisenov: Chúng tôi là người khiêm tốn, nhưng rất lì đòn, chúng tôi có thể thất bại, nhưng không thất thế, thử thách có thể làm công ty chùn bước, nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Vấn đề, chúng ta có để một thất bại ảnh hưởng tới không, tất nhiên không.

Công ty học được nhiều bài học khi tham gia đấu thầu dự án Sân bay Long Thành, sắp tới, Việt Nam còn nhiều dự án lớn hơn, Công ty thấy được thị trường và các dự án lớn mà Công ty có thể tham gia được.

Thực tế, dự án Sân bay Long Thành chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của Công ty. Tương lai một công ty xây dựng không thể được quyết định bởi một dự án.

Kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài?

Ông Bolat Duisenov: Công ty có kế hoạch nâng tầm tiêu chuẩn xây dựng lên tầm quốc tế, Công ty đang tiệm cận quốc tế, làm sao mang năng lực, chất lượng và tiêu chuẩn xây dựng tại Công ty để phục thị trường rộng hơn, vươn ra thế giới.

Hiện nay, một khách hàng lớn ở Việt Nam đã vươn ra 3 nước, vì vậy, Công ty kỳ vọng khách hàng này sẽ giao cho Công ty dự án ở nước ngoài. Ngoài ra, Công ty cũng có khách hàng khác họ có đánh tiếng khi họ ra nước ngoài sẽ muốn cùng Công ty ra thị trường nước ngoài.

Vì bảo mật thông tin, Công ty chưa chia sẻ chi tiết về kế hoạch phát triển thị trường nước ngoài. Ước tính 4-6 tháng nữa sẽ chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác