Nguyên nhân là một loạt dự án điện mới đang được chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sang PV Power vẫn chưa thực hiện xong như Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3-4, khiến cho hoạt động kết quả kinh doanh sắp tới của PV Power chưa có sự nổi trội như mong đợi.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho hay, sắp tới sẽ cùng PVN lựa chọn nhà đầu tư lớn, nhưng không còn khái niệm cổ đông chiến lược. Ngoài ra, mong muốn chọn được cổ đông để thoái tiếp vốn xuống còn 51% là khó hoàn thành trước khi lên sàn HoSE”.
Liên quan tới thắc mắc của cổ đông về lợi nhuận biên của PV Power từ năm 2018 đến năm 2023, ông Hòa cũng cho hay, thị trường điện cạnh tranh vận hành từ năm 2012. Tới năm 2017, tỷ lệ mua điện theo hợp đồng đã có với chào giá trên thị trường là 90/10, và hiện nay là 80-85/20-15, tùy vào từng nhà máy. Tức là phần sản lượng mua theo phương thức chào giá trên thị trường điện cạnh tranh đang tăng lên. “Tới 2021 dự kiến tỷ lệ này là 60% hợp đồng và 40% thị trường cạnh tranh”, ông Hòa nói.
Vẫn theo Tổng giám đốc PV Power, theo tính toán biểu đồ các nhà máy điện mới vào hoạt động, ở phía Nam, từ năm 2019 trở đi và đặc biệt là năm 2024, tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng, cung không thể bù đắp cầu. Nghĩa là giá thị trường tăng cao, đồng nghĩa với việc các nhà máy hiện hữu của PV Power nếu có tình trạng kỹ thuật tốt sẽ được huy động khả quan.
Ngoài ra, các nhà máy mới như Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vào vận hành năm 2022-2023 thì nên cũng có khởi đầu thuận lợi, nếu giữ được tiến độ đầu tư các dự án mới như kế hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, PV Power đã đạt sản lượng điện 11,776 tỷ kWh, vượt 5% so với kế hoạch đặt ra cho nửa đầu năm.
Tổng doanh thu ước đạt 17.379 tỷ đồng so với 15.888 tỷ đồng kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.256 tỷ đồng - vượt 60% so với kế hoạch được giao.
Trong 6 tháng cuối năm, PV Power đặt kế hoạch đạt sản lượng 9,794 tỷ kWh, doanh thu 14.037 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 858 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước là 609 tỷ đồng.