Ngân hàng - Bảo hiểm
ĐHĐCĐ MB: Cổ đông lo lắng vì dư nợ trái phiếu khủng
T.L - 25/04/2023 14:14
Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã CK: MBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Hàng loạt vấn đề nóng được cổ đông chất vấn tại Đại hội như: trái phiếu doanh nghiệp, cho vay bất động sản, nợ xấu MCredit...

 
..

Trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay bất động sản là những vấn đề được cổ đông chất vấn nhiều nhất tại ĐHĐCĐ MB sáng nay (25/4).

Nhiều cổ đông cho rằng, MB nắm giữ quá nhiều trái phiếu bất động sản, tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Phó tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh cho hay, với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án không sở hữu trái phiếu, có dư nợ về lĩnh vực xây lắp nhưng không nhiều.

Về phía Trung Nam, dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả nợ đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Riêng với Novaland, MB khẳng định đây là đối tác bất động sản lớn của ngân hàng. Hiện tại, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB quản lý đánh giá dự án cụ thể, tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Mặc dù vậy, MB vẫn là một trong 4 chủ nợ lớn nhất của Novaland.

"Chúng tôi đang phối hợp để thu nợ đủ thời gian sắp tới", lãnh đạo MB thông tin.

Nhằm trấn an cổ đông, ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT MB cho biết thêm, tổng quy mô cho vay và đầu tư trái phiếu Novaland của MB không đến con số 10.000 tỷ đồng.

Với tín dụng bất động sản, MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Hiện các khoản vay bất động sản của MB, bao gồm Novaland đều có tài sản đảm bảo nên không lo ngại về nợ xấu.

Một vấn đề nữa được nhiều cổ đông đặt câu hỏi chất vấn là nợ xấu tài chính tiêu dùng của MB. Hàng loạt người vay tiêu dùng mất khả năng trả nợ sau 2 năm Covid-19 cộng thêm thời gian gần đây nhiều công ty tài chính bị cơ quan công an kiểm tra khiến tình trạng bùng nợ gia tăng.

Về vấn đề này,  lãnh đạo ngân hàng cho biết, MB thực hiện tái cơ cấu MCredit, tối ưu giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, kiểm soát thu hồi nợ, xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn tiếp theo và định vị lại thương hiệu trên thị trường. Năm 2022, MCredit đạt Top 2 lợi nhuận với 1.200 tỷ đồng, chỉ sau Home Credit, nợ xấu dưới 6%. Trong năm 2023, MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ đồng trong năm nay và trong quý I/2023 ghi nhận con số lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.

"Định hướng của MCredit là chiến lược thu hồi nợ nhân văn. Hiện số nhân sự thu hồi nợ hơn 1.000 người, trong đó 600 cộng tác viên. Khi thị trường khó khăn, những doanh nghiệp có văn hóa độc đáo, cam kết về chất lượng thì sẽ tiến xa hơn. Kết quả đạt được trong thời gian đã chứng minh hướng đi đúng đắn của MCredit", Chủ tịch MB nhấn mạnh.

ĐHĐCĐ MB sáng nay thông qua tất cả tờ trình. Theo đó, năm 2023, MB đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%. Ngân hàng đặt mục tiêu trả cổ tức tỷ lệ 10 - 15% trong năm 2023.

Về kế hoạch tăng vốn, ĐHĐCĐ MB thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.

Nguồn để thực hiện trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế MB của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế riêng MB sau khi trích lập các quỹ năm 2022 dự kiến là 12.151 tỷ đồng.

Số vốn thu được từ các phương án này dự kiến sẽ được sử dụng phần lớn (7.088 tỷ đồng) để đầu tư năng lực và phần còn lại (1.255 tỷ đồng) để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác.

Cũng tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Lưu TrungThái cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.

HĐQT đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với Cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.

Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc.

"Theo quy trình của Nhà nước, thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 việc định giá hoàn thành và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được", lãnh đạo MB thông tin thêm.

Tin liên quan
Tin khác