Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ PVT Logistics: Lợi nhuận quý I/2023 đạt 30 tỷ đồng, hoàn thành 54,5% kế hoạch
Duy Bắc - 26/04/2023 13:43
Sáng 26/4, CTCP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã PDV – sàn UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cho biết, bối cảnh năm 2022 chịu ảnh hưởng, biến động, hiếm khi có biến động nhanh và sâu như năm 2021-2022 vừa qua. Trong giai đoạn Covid năm 2021 gần kiểm soát, các nước đẩy mạnh kích cầu về cơ sở hạ tầng, nhu cầu xi măng, vật liệu xây dựng, thép … tăng, cộng với đội tàu thế giới, trước khủng hoảng 2008-2009, đội tàu tăng thêm ít, việc đội tàu không tăng và nhu cầu tăng cao đã đẩy nhu cầu tăng cao, giá cước tăng cao năm 2021 và đầu năm 2022. Giai đoạn 2 quý cuối năm 2022 và quý I/2023, giá cước lại giảm đối với hàng rời; ngược lại, tàu dầu/hoá chất lại tăng do xung đột Nga – Ukraine dẫn tới chuyến hành trình xa hơn.

Trong năm 2023, PVT Logistics đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.050 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận dự kiến 44 tỷ đồng và nộp ngân sách 12,5 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2022, PVT Logistics ghi nhận tổng doanh thu 1.000,96 tỷ đồng, hoàn thành 111% so với kế hoạch (kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế ghi nhận 125,28 tỷ đồng, hoàn thành 447% so với kế hoạch (kế hoạch lãi 28 tỷ đồng); và nộp ngân sách Nhà nước 22,98 tỷ đồng, hoàn thành 291% so với kế hoạch (kế hoạch nộp 7,9 tỷ đồng).

Nếu theo dữ liệu lịch sử, trong nhiều năm trở lại đây, PVT Logistics luôn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và cuối năm sẽ vượt kế hoạch đặt ra với một tỷ lệ tương đối cao.

Giải thích về kế hoạch kinh doanh thận trọng, Giám đốc Hồ Sĩ Thuận cho biết đây là truyền thống thận trọng của Công ty và ngành logistics. Tuy nhiên, mỗi diễn biến thuận lợi/bất lợi, Công ty sẽ có biện pháp đối phó và thích ứng. Quý I/2023, lãi khoảng 30 tỷ đồng, đạt hơn một nửa (khoảng 54,5%) so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 55 tỷ đồng.

Về kế hoạch khai thác đội tàu trong năm 2023, tàu PVT Synergy tiếp tục duy trì điều kiện của hợp đồng cho thuê định hạn với khách hàng hiện hữu. Trong đó, tàu cơ bản hoàn tất lên đà (Dock) SS lần 3 trong tháng 4/2023; đối với tàu PVT Neptune, PVT Venus và tàu PVT Saturn, thực hiện hợp đồng cho thuê khai thác trong pool mang lại hiệu quả cao hơn mức trung bình của thị trường. Trong đó, dự kiến tàu PVT Venus dừng lên đà (Dock) trong tháng 6/2023, tàu PVT Saturn trong tháng 8/2023 và tàu PVT Neptune trong tháng 10/2023; Đối với tàu PVT Diamond, tiếp tục khai thác định hạn tuyến quốc tế.

Về kế hoạch đầu tư, năm 2023, PVT Logistics dự kiến tiếp tục thực hiện dự án đầu tư 1 tàu chở dầu/hoá chất trọng tải 19.000 - 25.000 DWT được phê duyệt thực hiện năm 2022 (tổng mức đầu tư khoảng 19 triệu USD); đầu tư 1 tàu hàng rời Handysize/Ultramax trọng tải khoảng 25.000 – 75.000 DWT (dự án chuyển tiếp); và đầu tư 1 tàu chở dầu/hoá chất trọng tải khoảng 19.000 – 25.000 DWT (dự án đầu tư mới, tổng mức đầu tư khoảng 22 triệu USD).

Về định hướng kinh doanh trong năm 2023, Công ty dự kiến tập trung hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, từ 311,1 tỷ đồng lên 511,1 tỷ đồng để tranh thủ đầu tư, thuê mua tàu trong lúc giá đang ở giai đoạn phù hợp để trẻ hóa đội tàu, tăng năng lực vận tải, và sức cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, trong năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 311,1 tỷ đồng lên 511,1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến chào bán thêm 20 triệu cổ phiếu, chia làm hai đợt, đợt 1 chào bán 12 triệu cổ phiếu và đợt 2 chào bán 8,02 triệu cổ phiếu.

Trong năm 2022, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng 1 hồ sơ cho 2 đợt chào bán lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo phương án đã được thông qua. Tuy nhiên, do thực hiện 2 đợt chào bán một lần, hồ sơ của Công ty đã không được chấp nhận.

Hiện tại, Công ty đã xây dựng phương án triển khai chào bán cổ phiếu đợt 1 (đăng ký chào bán 11,98 triệu cổ phiếu) lên UBCKNN.

Vì vậy, Công ty trình cổ đông tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu, sau khi chào bán xong đợt 1, Công ty sẽ tiếp tục chào bán thêm 8 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Số tiền huy động đợt 2 là 80,2 tỷ đồng, Công ty dự kiến bổ sung vốn mua 1 tàu hàng rời handysize/Ultramax có trọng tải từ 25.000 – 75.000 DWT, thời gian triển khai trong năm 2023.

Đồng thời, PVT Logistics cũng dự kiến triển khai việc chuyển tiếp chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE đã được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua.

Về cổ tức, năm 2022, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức 8% bằng tiền mặt. Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 8% đến 10% vốn điều lệ, hình thức bằng tiền mặt.

Về nhân sự, Công ty thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hoài Phương (hết nhiệm kỳ) và ông Nguyễn Thế Anh. Đồng thời, bầu bổ sung ông Nguyễn Hoài Phương và ông Lê Trúc Lâm vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.

Được biết, cổ đông Công ty TNHH Tân Long, đơn vị sở hữu 20,07% vốn điều lệ tại PVT Logistics đề cử ông Nguyễn Hoài Phương vào thành viên hội đồng quản trị, ông Phương sinh năm 1962, trình độ cử nhân chuyên ngành Toán lý thuyết.

Thêm nữa, ông Lê Trúc Lâm sinh năm 1981, trình độ chuyên môn cử nhân thương mại (Đại học kinh tế TP. HCM), thạc sĩ quản trị dự án (Đại học Ngoại Thương liên kết với Đại học Nantes (Pháp)).

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông trong đại hội:

Trong bảng kế hoạch kinh doanh năm 2023, tại sao Công ty đặt kế hoạch theo quý lỗ trong quý IV so với 3 quý đầu năm?

Theo chu kỳ vận hành của đội tàu, trong vòng 2-3 năm, tàu phải định kỳ dừng lên đà (Dock), nếu quý nào lên đà nhiều thì phải ngừng khai thác, doanh thu không ghi nhận và chi phí thì tiếp tục ghi nhận, đây chính là nguyên nhân ghi lỗ nếu trong kỳ có nhiều tàu cùng lên đà. Trong đó, năm 2023, 6/7 tàu phải dừng lên đà.

Được biết, Công ty đặt kế hoạch lãi 44 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, quý I, lãi 11,39 tỷ đồng; quý II, lãi 17 tỷ đồng; quý III, lãi 25,7 tỷ đồng; và quý IV, dự kiến lỗ 10,13 tỷ đồng.

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc trả lời tcác câu hỏi của cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông năm 2023

Khi giá cước tàu hàng rời suy giảm như hiện nay, Công ty có nên đầu tư tàu hàng rời theo kế hoạch đặt ra?

Tàu hàng rời đã được lên kế hoạch đầu tư từ năm ngoái, năm ngoái chưa đầu tư do chưa tăng vốn. Năm ngoái do thanh lý tàu nên đủ nguồn để đầu tư, năm ngoái giá cước hàng rời cao, rất cao, đồng thời giá tàu cũng cao, nên Công ty thận trọng trong đầu tư.

Được biết, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, giá tàu hàng rời khoảng 18 triệu USD -20 triệu USD, nay còn 10 triệu USD.

Công ty quyết định đầu tư dựa vào toàn bộ vòng đời của dự án, sẽ cân đối dòng tiền sao cho có hiệu quả.

Cơ cấu khai thác spot và định hạn của Công ty?

Công ty liên tục 6 tháng một lần sẽ họp, đánh giá và cân đối giữa việc khai thác spot (giao ngay) hoặc hợp đồng định hạn (dài hạn). Trong đó, hiện nay, Công ty đang dựa trên cơ cấu 40% - 50% sẽ là hợp đồng định hạn, còn lại là hợp đồng spot.

Công ty sẽ cân nhắc và cân đối để mang lại lợi ích tốt nhất cho Công ty, cổ đông.

Thời điểm chuyển sàn của Công ty?

Sau khi tăng vốn xong, công ty sẽ tiến hành chuyển sàn, giá chuyển giá tuỳ thuộc vào thời điểm chuyển sàn và hiện tại chưa nói trước được.

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình được thông qua.

Tin liên quan
Tin khác