Theo báo cáo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông SHB, tính đến sát giờ khai mạc, có gần 1.400 cổ đông đăng ký tham dự Đại hội, đại diện cho xấp xỉ 67% số cổ phần có quyền biểu quyết. Mỗi cổ đông đều nhận được phong bì 200 nghìn đồng. SHB là một trong những ngân hàng có cổ đông tham dự đại hội cổ đông nhiều nhất mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay.
Báo cáo tại Đại hội, bà Ngô Thu Hà, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc cho biết, năm nay, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến sẽ lên 701.000 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 518.555 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng dự kiến được kiểm soát dưới 3%.
Năm 2023, SHB đã ghi nhận kết quả khả quan. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.239 tỉ đồng. Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản đạt 630.501 tỉ đồng, tăng 16%. Vốn điều lệ 36.194 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, năm 2023, SHB ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 7.321 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 5.929 tỷ đồng. Nhà băng này dự kiến sẽ chia trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 16% vốn điều lệ theo hai cấu phần.
Cụ thể, ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tổng số tiền dự kiến dùng để chia là 1.831 tỷ đồng và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, tương ứng số tiền 4.029 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận để lại chưa phân phối sẽ là 69,4 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của ngân hàng đang là 36.194 tỷ đồng. Ngân hàng SHB đang hoàn tất các thủ tục để nâng vốn lên 36.629 tỷ đồng sau khi phát hành thêm 43,5 triệu cổ phiếu ESOP.
Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến sẽ lên gần 40.658 tỷ đồng. Kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2024.
Sau khi chia cổ tức, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng SHB vẫn sẽ đứng thứ 9 ngành ngân hàng, sau ACB và trước HDBank. Trong nhóm cổ phần, vốn điều lệ của ngân hàng đứng thứ 5.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ dự kiến sử dụng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý III hoặc quý IV/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Để thực hiện kế hoạch trên, ngân hàng sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số.
Ngoài các nội dung trên, ĐHĐCĐ của ngân hàng SHB dự kiến cũng sẽ thông qua tờ trình về niêm yết trái phiếu SHB phát hành ra công chúng, sửa đổi điều lệ, văn bản nội bộ cho phù hợp với thay đổi trong Luật TCTD 2024 và lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập.