Lập Công ty kiều hối, tín dụng tiêu dùng, AMC
Tại ĐHCĐ sáng nay, sau phần khai mạc, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày Báo cáo của HĐQT. Theo đó, năm 2015, Vietcombank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên hầu hết các mặt hoạt động, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều vượt so với kế hoạch ĐHCĐ giao.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Vietcombank cũng thừa nhận, hoạt động của ngân hàng vẫn còn một số tồn tại. Thứ nhất, cạnh tranh ngày càng tăng khiến hệ số sử dụng vốn của Vietcombank còn thấp, thị phần thanh toán xuất nhập khẩu và tài trợ thương mại chưa được cải thiện. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng bán buôn chủ yếu vẫn tập trung vào các khách hàng truyền thống, công tác phát triển khách hàng mới còn chậm. Ngoài ra, một số dự án nâng cao năng lực quản trị có tiền độ triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Cũng theo Chủ tịch Vietcombank, định hướng của Vietcombank năm 2016 là sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ khoảng 35% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán.
Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ triển khai thành lập Công ty tín dụng tiêu dùng, Công ty kiều hối, nghiên cứu thành lập Công ty AMC, xúc tiến mở chi nhánh và Văn phòng đại diện tại nước ngoài.
Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2016 |
Đặt mục tiêu lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, lãnh đạo nhận thêm thù lao 10 tỷ đồng
Sau Báo cáo của HĐQT, đại diện Ban Điều hành Vietcombank lên trình bày báo cáo chi tiết.
Những con số được nêu trong báo cáo cho thấy, năm 2015, Vietcombank tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng.
Cụ thể, tổng tài sản của Vietcombank đạt 674.395 tỷ đồng, tăng 16,9% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 387.151 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%. Tiền gửi của khách hàng đạt 499.764 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 đạt 6.828 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Với lợi nhuận này, lãnh đạo Vietcombank đề xuất phương án trả cổ tức 10% bằng tiền mặt.
Tính đến cuối năm 2015, nợ xấu của Vietcombank chỉ còn 1,84% giảm 0,47% so với năm 2014. Năm 2015, thu hồi nợ ngoại bảng của Vietcombank đạt 2.511 tỷ đồng (ghi vào thu nhập 2.087 tỷ đồng, đạt 104,25% kế hoạch). Trong đó, thu nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro là 1.834 tỷ đồng, thu nợ đã bán cho VACM là 677 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại nhiều lĩnh vực, Vietcombank vẫn giữ vị thế hàng đầu như: kinh doanh và dịch vụ ngoại tệ, hoạt động thẻ, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại… Năm 2015, doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại của Vietcombank đạt gần 46 tỷ USD, thị phần đạt 15,8%. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 29,5 tỷ USD. Hoạt động thẻ cũng dẫn đầu thị trường.Thẻ quốc tế chiếm 45% thị phần, thẻ nội địa chiếm 30,3% thị phần.
Liên quan đến việc thành lập các công ty con, ông Phạm Quang Dũng cho biết, năm 2015 vừa qua, ngân hàng đã tích cực tìm hiểu các thủ tục để xúc tiến thành lập công ty kiều hối, tài chính tiêu dùng và các văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Theo mục tiêu đề ra, trong năm 2016, Vietcombank sẽ tăng tổng tài sản lên 765.438 tỷ đồng (tăng trưởng 13,5%), tín dụng tăng 17%, huy động vốn tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2015.Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,5%. Mức chi trả cổ tức tối đa 10%.
Về thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, cổ đông đã thông qua mức thù lao đối với HĐQT và Ban kiểm soát năm 2015 bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế, tương đương 18,66 tỷ đồng, tổng số tiền đến nay đã chi cho các thành viên HĐQT, ban kiểm soát là 8,946 tỷ đồng. Có nghĩa, lãnh đạo Vietcombank sẽ được chia thêm gần 10 tỷ đồng nữa. Năm 2016, lãnh đạo Vietcombank cũng đề nghị cổ đông thông qua phương án thù lao 0,35% lợi nhuận.
Phát hành cổ phiếu thưởng 35%, bán 10% vốn cho nhà đầu tư ngoại
Tờ trình mà cổ đông được nghe cuối cùng tại ĐHCĐ sáng nay là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2016 bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Mục tiêu của việc tăng vốn điều lệ, theo Vietcombank là để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng Vietcombank thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam và một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, để nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh doanh, quản trị rủi ro.
Theo tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành hơn 932,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 35.977 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 35%. Thời điểm phát hành do HĐQT quyết định.
Sau đó, ngân hàng này sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ Vietcombank tại thời điểm chào bán. Mức vốn điều lệ sau khi phát hành riêng lẻ toàn bộ số cổ phiếu sẽ là 39.575 tỷ đồng.
Về đợt phát hành riêng lẻ, theo dự kiến, VCB sẽ chào bán tối đa 359,7 triệu cổ phiếu cho tối đa 10 nhà đầu tư là các tổ chức nước ngoài có tiềm lực vững mạnh về tài chính (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu của Vietcombank là Mizuho, chiếm 15% vốn điều lệ). Giá bán sẽ theo giá thỏa thuận giữa Vietcombank và nhà đầu tư. Đợt chào bán có thể là một hoặc nhiều lần cho một nhà đầu tư hay nhiều nhà đầu tư. Số cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Về kế hoạch dùng vốn tăng thêm, Vietcombank cho biết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động, thành lập một số công ty con, tăng vốn góp vào một số đơn vị hiện có và tìm kiếm cơ hội tham gia góp vốn vào các dự án đầu tư. Đồng thời, vốn tăng thêm sẽ được dùng để mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn cũng như chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.
Theo dự kiến, sau khi hoàn tất 100% kế hoạch tăng vốn trong năm nay, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước sẽ giảm từ 77,11% xuống 70,10%, cổ đông chiến lược nước ngoài (Mizuho Bank) giảm từ 15% xuống 13,64%, sở hữu của cổ đông là các nhà đầu tư mua cổ phần chào bán riêng lẻ năm 2016 (bao gồm cả Mizuho Bank mua thêm để duy trì 15% hoặc tăng thêm) là 9,09%
Sau khi nghe các tờ trình, Đại hội sẽ bước vào phần thảo luận và biểu quyết.