Tài chính - Chứng khoán
ĐHĐCĐ VNDirect: “Nóng” câu chuyện trái phiếu Trung Nam và giá cổ phiếu VND
Thanh Thủy - 28/06/2024 20:07
VNDirect đang nắm lượng lớn trái phiếu Trung Nam. Đây là nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024 và cũng được lãnh đạo công ty đánh giá là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu VND giảm sâu.
CTCP Chứng khoán VNDirect tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024

Điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận sau sự cố hacker

Chiều 28/6, CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect, mã VND - sàn HoSE) đã tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ thường niênnăm 2024 sau khi chưa thể tổ chức ngay lần đầu do tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đạt chưa tới 50%.

Báo cáo tại Đại hội, lãnh đạo công ty cho biết công ty dự kiến trở lại “truyền thống” chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, công ty chứng khoán này đã được cổ đông phê duyệt phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cũng phải đến ngày 29/5 vừa qua, VNDirect mới vừa chốt quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu (100:5) kèm quyền mua cổ phiếu phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 5:1.

Theo phương án phân phối lợi nhuận trình năm nay, tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 5%, toàn bộ bằng tiền mặt.

Năm 2023, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.562 tỷ đồng, giảm 6% so với 2022. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 44%, lên mức 2.482 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024 đã trình và được cổ đông thông qua, VNDirect đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 2.020 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ đồng so với thực hiện trong năm 2023. Trong đó, doanh thu thị trường vốn giảm 39%, về 1.897 tỷ đồng; doanh thu môi giới chứng khoán giảm 17%, về 720 tỷ đồng; doanh thu margin tăng 18%, lên 1.365 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Nguyễn Vũ Long – Tổng giám đốc VNDirect cho rằng dù nền kinh tế được nhìn nhận chung là sẽ hồi phục nhưng vấn dề cần đặt ra là tốc độ hồi phục. Theo ông Long, qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận hiện này chủ yếu do mức nền cơ sở thấp. Nền kinh tế có hồi phục nhưng nhiều khó khăn thách thức phía trước khi phải đối mặt áp lực tỷ giá, rủi ro tăng lãi suất.

Theo quan điểm của Trung tâm phân tích VNDirect, khó khăn tới đây nằm ở mức độ không chắc chắn và phụ thuộc vào biến số vĩ mô của Mỹ và Việt Nam.

Các lý do trên khiến VNDirect xây dựng kế hoạch thận trọng. Cùng đó, sự cố hacker xảy ra vào tháng 4/2024 đã khiến kế hoạch lợi nhuận phải điều chỉnh giảm xuống so với kế hoạch ban đầu xây dựng cuối năm 2023, do công ty đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng sau sự cố. ­­

Theo cập nhật của vị CEO này, ước tính lợi nhuận trước thuế của VNDirect sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Dù có thêm hoạt động bù chi phí cho khách hàng trong tháng 4/2024, công ty hiện đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch trình cổ đông hôm nay.

“Từ nay đến cuối năm còn nhiều biến cố thách thức. cách vận hành của công ty đã chuẩn bị cho các kịch bản ở mức độ nhất định. Chúng tôi tự tin có thể hoàn thành kế hoạch đặt ra”, ông Long cũng cho hay.

Tiếp tục kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn

Cũng tại Đại hội, VNDirect trình cổ đông thông qua các nội dung về chào bán cổ phiếu riêng lẻ; chào bán cổ phiếu theo chương trình người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động. Bên cạnh phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu đang triển khai, ba phương án trên cũng đều là các phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, nhưng chưa thực hiện.

Về phương án chào bán riêng lẻ, VNDirect đã trình cổ đông kế hoạch này từ ĐHĐCĐ năm 2022 với tỷ lệ phát hành dự kiến là 20%. Theo phương án trình năm 2023 và năm nay, VNDirect dự kiến triển khai phương án phát hành riêng lẻ cho 1-10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tỷ lệ 15% sau phát hành. Lãnh đạo công ty cho mong muốn tìm được đối tác chuyên nghiệp trong đợt phát hành này.

Về phương án phát hành cho CBCNV, công ty tiếp tục trình phương án chào bán 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/CP và phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 đến 2026.

Tại Đại hội, phát hành ESOP cũng là một trong các câu hỏi được cổ đông đặt ra. Theo bà Phạm Minh Hương, phương án này thực chất đã được VNDirect đề xuất nhiều lần nhằm đưa nhân viên gắn kết vào trong sự phát triển của tổ chức, nhất là trong môi trường “nhân sự rất là khan hiếm”. “VNDirect mong muốn tìm được những người mang ADN khác, trong đó xem xét tuyển thêm những lãnh đạo tầm cỡ, có kinh nghiệm quốc tế. Bởi vì chúng ta đang cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Điều này cũng phù hợp với việc VNDirect là công ty có quy mô rất lớn đòi hỏi năng lực chuyên môn ngày càng cao hơn trong khi đội ngũ hiện còn quá trẻ”, bà Hương cũng tiết lộ.

“Nóng” câu chuyện trái phiếu Trung Nam và giá cổ phiếu VND lao dốc

Bên cạnh câu hỏi về kế hoạch tăng vốn, câu chuyện liên quan đến trái phiếu Trung Nam tiếp tục được nhiều cổ đông đặt ra tại Đại hội lần này. Cùng đó, còn là sự sụt giảm của giá cổ phiếu VND, đặc biệt trong nửa tháng trở lại đây.

Trả lời các cổ đông, nữ Chủ tịch Phạm Minh Hương cũng chia sẻ bản thân cũng không có thời gian nhìn bảng điện và cũng rất bất ngờ khi biết về diễn biến giá cổ phiếu gần đây. Theo bà Hương, cổ phiếu VND nhìn chung bị “bao trùm” bởi rủi ro pháp lý liên quan đến Trung Nam. Thị trường chứng khoán luôn có những tin đồn và nhà đầu tư cũng thường ưa thích và nghe theo.

VNDirect đang có số dư trái phiếu Trung Nam với giá trị lớn. Bà Hương cũng thừa nhận ban lãnh đạo công ty có trách nhiệm phải nói rõ không chỉ với cổ đông mà còn trong công ty về nội duhng này.

“Với câu hỏi nếu Trung Nam phá sản VNDirect có phá sản không, câu trả lời là không. Bất cứ lúc nào chúng tôi làm cái gì cũng đều tính toán”, Chủ tịch HĐQT VNDirect khẳng định. Cũng theo bà Hương, trạng thái nắm giữ trái phiếu Trung Nam hiện nay chủ yếu nằm ở dự án điện đã đưa vào phát điện, khác với dự án không có dòng tiền. Do vậy, rủi ro của Trung Nam nằm nhiều hơn ở tin đồn pháp lý, khó khăn của các dự án, chính sách thay đổi của Chính phủ và các khó khăn chung của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư.

Bà Hương cũng khẳng định thường xuyên cập nhật với lãnh đạo Trung nam và liên tục xây dựng kịch bản nếu rủi ro xảy ra. Thậm chí, các rủi ro này đã được chuẩn bị từ cách đây 2 năm, sẵn sàng các phương án dự phòng. Với trường hợp lô trái phiếu Trung Nam xin gia hạn, lãnh đạo VNDirect nhận định điều này xảy ra do doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư dẫn đến mất cân đối dòng tiền, chứ không phải rủi ro tài chính, rủi ro phá sản. Còn với khả năng xảy ra rủi ro pháp lý, câu chuyện sẽ liên quan đến một cá nhân không tác động được đến doanh nghiệp lớn như vậy. Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết Vietcombank đồng bảo lãnh với VNDirect trong lô trái phiếu điện gió, ngoài ra một số ngân hàng khác cũng đang cho vay dự án điện của Trung Nam…

"Sẽ có thiệt hại nếu rủi ro xảy ra, không phải là không có, nhưng sẽ không lớn. Những việc chúng tôi làm đều có hạn mức đủ để tính đến trường hợp xấu nhất. VNDirect có khả năng sinh lời bền vững. Hiện công ty đã  trích lập các khoản lãi không thu. Việc trích lập là kỷ luật của tổ chức để không quá lạc quan với các con số và ghi nhận dự phòng đúng mức", bà Hương cho hay. 

Trả lời thêm về nội dung này, ông Long cho biết lĩnh vực đầu tư có thể đối diện với vấn đề rủi ro pháp lý, câu chuyện thị trường trái phiếu thời gian trước cũng khiến khả năng tái huy động vốn khó khăn gây ra đứt gẫy thị trường vốn. Nhiều trái phiếu không thanh toán được gốc lãi sau sự kiện SCB. Ở trường hợp của Trung Nam, công ty vẫn có dòng tiền, nguồn thu đều. Vấn đề của Trung Nam hiện nay là phải sắp xếp lại việc trả nợ với các bên cho vay, với lịch phù hợp với lịch sản xuất kinh doanh, chi phí phù hợp.

Theo lãnh đạo công ty, VNDirect chọn ngành điện vì xác định đây là ngành cần vốn và có dòng tiền phát hành và dòng tiền sản xuất để trả lãi. Động lực của nền kinh tế là FDI, đều là lĩnh vực tiêu thụ điện lớn.

“Khi đầu tư vào Trung Nam, chúng tôi tin vào nhu cầu phát triển ngành điện, năng lực đầu tư hạ tầng, năng lực triển khai của Trung Nam. Thời điểm đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm ngành điện. Chúng tôi có tham gia giao dịch Credit Suisse tư vấn Trung Nam nhưng không may Credit Suisse sụp đổ. Việc thay đổi chính sách về an ninh năng lượng cũng khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài khó khăn hơn”.

Đối với câu chuyên giá cổ phiếu VND, ông Long cho rằng các thông tin như sự cố hacker, khó khăn của Trung Nam đã ảnh hưởng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. CEO của VNDirect đánh giá cổ phiếu VND đang bị định giá thấp hơn nhiều so với cổ phiếu cùng ngành trên thị trường. Tuy nhiên, cũng theo ông, kết quả kinh doanh nửa đầu năm đang cho kết quả tốt và  khả năng hoàn thành kế hoạch khả quan khi cán đích hơn 50% mục tiêu cả năm.

“Chúng tôi cam kết nỗ lực tối đa tái thiết lại sau các sự việc xảy ra. Chúng tôi tin kết quả tài chính vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp và quan trọng nhất trong định giá cổ phiếu là tỷ suất sinh lời. Liên quan đến các vấn đề quan hệ cổ đông, truyền thông chiến lược kinh doanh của công ty, chúng tôi sẽ cố gắng để làm tốt hơn IR truyền thông để giá thị trường phản ánh đúng giá trị công ty”, CEO của VNDirect cũng nhấn mạnh.

Tại Đại hội, các tờ trình đã được thông qua.

Tin liên quan
Tin khác