Tính đến 3/6, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã lên tới 3.600 tỷ đồng. |
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 3/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố.
Được biết, ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên vào đầu tháng 2 năm nay tại tỉnh Hưng Yên. Tốc độ lây lan của dịch bệnh khá nhanh dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát dịch.
Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy....
Tốc độ lây lan nhanh chóng, mức độ tàn phá đàn lợn của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang khiến nhiều địa phương lo lắng. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định thừa nhận, tính đến nay số tiền hỗ trợ của tỉnh vào khoảng 450 tỷ đồng trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỷ đồng.
Hiện tỉnh Nam Định đã tiêu hủy hơn 178.000 con, chiếm khoảng 30% tổng số đàn lợn. Còn tại tỉnh Thái Bình, gần 40% tổng đàn lợn đã buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 17/2/2019, đã có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu quốc hội đặt ra liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có tình hình dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, dịch tả lợn là vấn đề rất lớn, lịch sử chưa bao giờ xảy ra ở nước ta.
Dịch tả lợn xảy ra đầu tiên tại Nigeria năm 1921, do đó gọi tên là dịch tả lợn châu Phi. Bệnh này do một loại virut gây ra hết sức nguy hiểm, khi tấn công vào đàn lợn thường gây chết 100%.
Virut này tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên kể cả trong điều kiện bất lợi; lây truyền rất nhanh qua rất nhiều con đường. Gần 100 năm nay, thế giới không có vắc-xin phòng và không có thuốc chữa.
"Đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Ngoài ra, do đặc thù của loại virut này, mà ngành chăn nuôi có tới 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liền kề tại các khu dân cư, không gian chật hẹp nên dễ lan truyền", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng hơn 50% trong cơ cấu nông nghiệp, thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng 70% trong mỗi bữa cơm của người Việt.
Vì vậy, ngay từ đầu khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc từ tháng 8/2018, chỉ sau 1 tuần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường biện pháp ngăn chặn. Thủ tướng cũng ban hành ngay chỉ thị vào ngày 19/9/2018.