Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp có vốn nhà nước lỗ lớn nhất lên tới 1.834,4 tỷ đồng. |
Trong 143 doanh nghiệp nhà nước có 9 doanh nghiệp kinh doanh lỗ
Bộ Tài chính cho biết, theo kết quả giám sát tài chính năm 2018, trong số 143 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có 134 đơn vị kinh doanh có lãi, 9 đơn vị kinh doanh lỗ.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng lợi nhuận sau thuế của 143 doanh nghiệp nhà nước là 87.843 tỷ đồng. Trong đó, có 134 đơn vị kinh doanh có lãi, 9 đơn vị kinh doanh lỗ. Số nộp ngân sách của 143 doanh nghiệp nhà nước là 105.313 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có lợi nhuận cao, chiếm tỷ trọng lớn là Viettel với 29.943 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với 28.050 tỷ đồng đều có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ, lần lượt đạt 86,2% và 91,78% so với cùng kỳ 2017.
Có 9 doanh nghiệp báo lỗ trong số 143 doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ là gần 226,4 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng công ty 15 lỗ 67,15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 1,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Lao động - Xã hội lỗ 4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 22,50 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 1,42 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm lỗ 3,06 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và KHTW lỗ 1,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao lỗ 0,3 tỷ đồng. Tổng công ty Cà phê Việt Nam là đơn vị có số lỗ lớn nhất, lên tới 125,9 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính trong số 143 doanh nghiệp nhà nước có: 52 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá an toàn về tài chính; 08 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính; 05 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại hiện chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Danh sách doanh nghiệp nhà nước mất an toàn về tài chính bao gồm: Tổng công ty 15, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao.
Năm đơn vị khác được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính là: Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới.
Có 7 đơn vị báo lỗ trong 66 doanh nghiệp có vốn nhà nước
Đối với 66 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng doanh thu năm 2018 đạt 354.674 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 của 66 đơn vị này đạt 27.354 tỷ đồng, nộp ngân sách 29.819 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có doanh thu lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): chiếm 38,64% tổng doanh thu, tăng 24,84% so với năm 2017; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines): chiếm 20,64% tổng doanh thu, tăng 12,79% so với năm 2017; Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài gòn (Sabeco): chiếm 10,87% tổng doanh thu, tăng 5,8% so với năm 2017; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV): chiếm 5,01% tổng doanh thu, tăng 18,62% so với năm 2017, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama): chiếm 2,9% tổng doanh thu, tuy nhiên giảm tới 35,84% so với năm 2017...
Cũng trong số 66 doanh nghiệp có vốn nhà nước, có 7 đơn vị báo lỗ có tổng số lỗ lên tới trên 2.475 tỷ đồng. Cụ thể, CTCP xây lắp Tây Hồ lỗ 2,48 tỷ đồng, CTCP Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 15 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP lỗ 163 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng - CTCP lỗ 376,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 349,88 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTVBroadcom) lỗ 4,1 tỷ đồng. Tổng công ty Lương thực miền Nam là đơn vị có số lỗ lớn nhất lên tới 1.834,4 tỷ đồng.