Doanh nghiệp
Điểm danh ngành hàng có dư địa tăng xuất khẩu sang Anh
Hải Yến - 15/04/2021 15:29
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021, liệu những ngành hàng nào của Việt Nam có khả năng tận dụng xuất khẩu sang thị trường này?
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng có nhiều dư địa tăng xuất khẩu sang Anh.   Ảnh: Đức Thanh

Thị trường nhập khẩu lớn

Trước khi Anh rời EU, quan hệ thương mại Việt - Anh được điều chỉnh bởi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 và trước đó là theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của EU. Ngày 29/12/2020, Anh và Việt Nam ký kết UKVFTA, trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của EVFTA.

Top 10 sản phẩm nhập khẩu lớn của Anh:

 Đá quý kim loại quý: 88,3 tỷ USD
Máy móc bao gồm cả máy tính: 84,7 tỷ USD
Xe hơi: 73,5 tỷ USD
Máy móc thiết bị điện: 63,9 tỷ USD
Nhiên liệu khoáng kể cả dầu mỏ: 56,2 tỷ USD
Dược phẩm: 28 tỷ USD
Thiết bị quang học và y tế: 19,1 tỷ USD
Chất dẻo, sản phẩm từ nhựa: 18,8 tỷ USD
Nội thất, chăn ga gối đệm, đèn chiếu sáng: 11,9 tỷ USD
Quần áo, phụ kiện dệt kim: 11,7 tỷ USD

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, thương mại 2 chiều Việt - Anh đạt 6,6 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2015-2019 đạt 9,4%, trong đó Anh đứng thứ 9 trong số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với kim ngạch 5,76 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, thương mại 2 chiều giảm nhẹ còn 5,642 tỷ USD.

3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, Top những ngành hàng có dư địa khai thác thị trường Anh dẫn đầu là điện thoại, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, linh kiện và thủy sản, hạt điều, cà phê…

Trong đó, nhóm hàng điện thoại từng đạt giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD vào năm 2019, nhưng đã sụt giảm chỉ còn 1,382 tỷ USD trong năm 2020. Tương tự, dệt may cao điểm từng xuất sang Anh 800 triệu USD/năm, giày dép 630 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ hơn 400 triệu USD…

“Dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của Anh”, ông Cường nhấn mạnh.

Đường lớn cho xuất khẩu đã khơi thông bởi UKVFTA, dù thương mại đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm tốc, nhưng khả năng bật tăng trở lại sẽ rất cao khi dịch bệnh được khống chế bởi Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất tại EU.

Đơn cử, dệt may nhiều năm duy trì kim ngạch xuất khẩu từ 700-800 triệu USD sẽ sớm tăng tốc để đưa Anh thành thị trường xuất khẩu tỷ USD. Trước Anh, nhờ CPTPP, dệt may đã xuất khẩu vượt 1 tỷ USD sang Canada.

Theo cam kết trong UKVFTA, các mặt hàng dệt may Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu từ mức 12% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc về 0% theo lộ trình B3, B5, B7, tức sau 4,6 đến 8 năm Hiệp định có hiệu lực.

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi UKVFTA thực thi tập trung vào nhóm hàng nguyên liệu và đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, đồ mặc trong nhà (HS 50-60).

Còn với điện thoại, mặt hàng đang đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam cũng sớm trở lại mức tăng trưởng ấn tượng nhờ cú hích UKVFTA. Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan không ai khác ngoài ông lớn Samsung.

SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Riêng với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm mà Samsung bán ra trên thị trường thế giới được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.

Đồ gỗ thẳng tiến, nông sản thận trọng

Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2 - 10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.

“Đồ gỗ Việt Nam xuất đi Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt và chất lượng sản phẩm cao”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khẳng định.

Điểm cộng cho đồ gỗ là một số doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với nhà sản xuất Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã kịp ghi điểm là một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ sang Anh với trị giá 421 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần tại Anh.

Tuy nhiên, để đồ gỗ mở rộng thêm thị phần, khai thác được dư địa thị trường và ưu đãi thuế, ông Cường lưu ý, doanh nghiệp Việt cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ được khách hàng đã có và mở rộng tệp khách hàng với các sản phẩm mới. Bởi thực tế đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường nên khả năng tăng trưởng vẫn còn nhiều.

Với nhóm hàng nông sản, tăng trưởng luôn đi kèm khả năng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường vô cùng khắt khe, nhưng nếu được chấp thuận sẽ có giá xuất khẩu cao.

Ông Harry Hoan Trần, chuyên gia thị trường tại Anh cho biết, cũng như EU và các nước phát triển khác, Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép (MRL) đối với từng loại sản phẩm. Hiện nay Anh đang áp dụng MRL theo tiêu chuẩn châu Âu.

Ngoài ra, để bảo hộ nông nghiệp và các vùng nông thôn kém phát triển, Chính phủ Anh tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nhập khẩu một số loại nông sản bằng mức thuế nhập khẩu tương đối cao, hoặc chính sách hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ WTO và theo cam kết trong các FTA song phương.

Những tiêu chuẩn khắt khe này là động lực thay đổi sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tận dụng dư địa tăng xuất khẩu sang Anh.

Tin liên quan
Tin khác