Những khoản nợ tồn
Theo báo cáo tài chính quý III/2018, các khoản phải thu ngắn hạn của Dược Hà Tây là gần 102,7 tỷ đồng, gồm nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng là 80,9 tỷ đồng và nợ phải thu ngắn hạn khác. Trong đó, khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 685 triệu đồng. Đây là các khoản khó đòi liên quan đến một số bệnh viện và một số đối tượng khác.
. |
Cụ thể, tổng số nợ mà các bệnh viện và những doanh nghiệp liên quan khác nợ Dược Hà Tây tại thời điểm cuối tháng 9/2018 là 1,37 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nợ 177 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu nợ 180,6 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân nợ 436,9 triệu đồng.
Ngoài các bệnh viện trên, một số đơn vị khác có tổng nợ với Dược Hà Tây là 575 triệu đồng, nhưng danh tính của họ không được thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Dược Hà Tây cho biết, danh sách tại thời điểm 30/9/2018 là 20 đơn vị, đa phần là các bệnh viện và các công ty dược. Trong đó, đơn vị có số dư nợ lớn nhất là Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (nợ 168 triệu đồng).
Trong nội dung trả lời Báo Đầu tư mới đây, Dược Hà Tây cho biết, có 5 nguồn đóng góp vào doanh thu tài chính quý III, trong đó nguồn lớn nhất là gần 3,8 tỷ đồng có được từ lãi bán hàng trả chậm, chiết khấu thanh toán.
Theo đại diện Công ty, trong danh sách này còn có một số cái tên khác như Công ty cổ phần Y tế Tân Phúc, Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang, Công ty cổ phần Dược phẩm Hòa Bình, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nhị Chiểu huyện Kinh Môn…
Tuy nhiên, ông Xuân Thắng, Tổng giám đốc Dược Hà Tây cho biết, thời gian qua, Công ty đã tích cực đôn đốc thu hồi nợ, nên đến cuối tháng 11, danh sách nợ tồn đọng chỉ còn 6 khách hàng, với tổng giá trị chỉ 220 triệu đồng. Trong số này, đơn vị có số nợ lớn nhất là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với tổng nợ là 177 triệu đồng, 5 khách hàng còn lại nợ không đáng kể.
Nợ tồn đọng có dấu hiệu tăng nhẹ
Nhìn lại lịch sử công nợ của Dược Hà Tây, có thể thấy, các con số về các khoản nợ tồn đọng đã có chiều hướng giảm trong các năm gần đây (từ năm 2015 đến 2017), nhưng lại có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại trong 9 tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, cuối năm 2015, Công ty phải trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 2,5 tỷ đồng. Sang năm 2016, con số nợ tồn đọng khó đòi đã giảm xuống còn 1,89 tỷ đồng. Có vẻ như năm 2017 là thời gian doanh nghiệp này đã khá thành công trong công tác thu nợ, khi đã làm giảm số nợ khó đòi xuống chỉ còn hơn 1/4 so với năm 2016. Tại thời điểm cuối năm 2017, khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn ở mức khá thấp, chỉ 494 triệu đồng.
Tuy giá trị các khoản nợ xấu đã được đẩy xuống mức khá thấp vào cuối năm 2017, nhưng diễn biến chỉ số này của Dược Hà Tây lại có phần tăng nhẹ trở lại trong 9 tháng đầu năm 2018. Dự phòng phải thu khó đòi đã nhích từ 494 tỷ đồng (cuối năm 2017) lên 685 tỷ đồng (cuối tháng 6/2018) và tiếp tục duy trì ở mức này đến cuối tháng 9/2018. Trong danh sách các đơn vị có dư nợ khó đòi qua các giai đoạn, nổi lên một đơn vị có vẻ là đối tác “giàu truyền thống” nhất của Dược Hà Tây, xét trên khía cạnh nợ nần lâu ngày, đó là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.