Tài chính - Chứng khoán
Điểm mặt 10 cổ phiếu tăng khủng nhất năm 2013
Chí Tín - 31/12/2013 22:19
Cổ phiếu tăng cao nhất trong năm 2013 là API của Công ty Cổ phần Đầu tư APEC với mức tăng 342,2% (gấp hơn 4,4 lần). Trong đó, 9 cổ phiếu còn lại đều có mức tăng từ gần 3 lần đến trên 4 lần.

Trong số các cổ phiếu tăng mạnh nhất trên cả 2 sàn, có 4 cổ phiếu niêm yết trên sàn TP.Hồ Chí Minh (HOSE) và 6 cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX).

Cổ phiếu API của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương APEC tăng 342,2%.

Công ty này có vốn điều lệ 264 tỷ đồng, đây là một công ty chuyên đầu tư kinh doanh bất động sản. Hiện nay, Công ty đang hợp tác với đối tác nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, … thực hiện các dự án đầu tư và khai thác các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mạị.

Diễn biến cổ phiếu API năm 2013 - cổ phiếu tăng giá mạnh nhất năm

Cổ phiếu HTL của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Long đã tăng 304,8%.

Công ty này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Trường Long là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được cấp giấy phép hành nghề đăng kiểm tại TP.HCM.
Trung tâm Đăng kiểm 50-10D của Trường Long là một trong những trung tâm đăng kiểm có thiết bị đăng kiểm chuẩn tân tiến nhất do Công ty có đối tác chiến lược là Sumitomo - Bộ phận Ô tô, tập đoàn tài chính có tầm cỡ ở Nhật Bản. Tập đoàn Sumitomo cam kết hỗ trợ Trường Long về mặt tài chính, quản lý cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cổ phiếu SCL của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường tăng 277,8%

Sông Đà Cao Cường có vốn điều lệ 90 tỷ đồng. là công ty đi đầu trong việc triển khai và phát triển sản phẩm tro bay. Đây là sản phẩm mới trong ngành vật liệu xây dựng ở nước ta.. Hiện nay trong ngành sản xuất tro bay mới có 3 đơn vị tham gia sản xuất, trong đó có Sông Đà Cao Cường.

Cổ phiếu PMS của Công ty Cổ phần Cơ khí Xăng dầu tăng 264,9%

Công ty có vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Đây vốn là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ cho các thành viên trong ngành xăng dầu. Sản phẩm phuy của công ty chiếm khoảng 40% đến 45% thị phần, sản phẩm thùng chiếm khoảng 25% đến 30%, bồn chiếm 40%. Hiện nay, thị trường này có mức độ tăng trưởng hàng năm tăng khoảng 15% đến 20%

Cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công tăng 255,2%

Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công có vốn điều lệ hơn 490 tỷ và là công ty dệt có thế mạnh trong lĩnh vực dệt kim, nhuộm hoàn tất. Công ty này hiện là doanh nghiệp xuất khẩu mạnh trong ngành dệt may.

Cổ phiếu MNC của Công ty Cổ phần Mai Linh Bắc Trung Bộ tăng 239,3%

Mai Linh miền Trung có vốn điều lệ hơn 80 tỷ đồng. Thị trường hoạt động taxi của Công ty trải rộng trên 7 tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.Toàn hệ thống taxi của Công ty hiện có 750 xe, số lượng xe Toyota chiếm 68%, dòng xe 7 chỗ chiếm 43%, xe chủ yếu đầu tư mới từ 2-3 năm chiếm tỷ trọng lớn, thị phần về mặt phương tiện đạt 50%, về tổng doanh thu cao hơn mức 50% do doanh thu bình quân đầu xe cao hơn so với các đối thủ và luôn dẫn đầu về thị phần lẫn chất lượng dịch vụ.

Cổ phiếu PTB của Công ty Cổ phần Phú Tài tăng 201,6%

Đây là doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng. Doanh thu hàng năm đạt trên 1.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.

Cổ phiếu SMT của Công ty Cổ phần Vật liệu Viễn thông Sam Cường tăng 194,2%

Đây là công ty ngành vật liệu viễn thông. Phần lớn khách hàng của Công ty là các Công ty và tổ chức lớn như Công ty TNHH MYV cáp quang; Viễn thông Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ Hậu Giang; Điện lực Đồng Nai, Quảng Ngãi; CTCP Tân Toàn Thư; Công ty TNHH Thiết bị thông tin Comtec. Đặc biệt Công ty có mối quan hệ tương đối vững chắc với VNPT, FPT, Viettel, SPT, SACOM.

Cổ phiếu PVT của Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khi PVTrans tăng 185,4%

Doanh thu từ mảng vận tải dầu thô đóng góp phần lớn doanh thu của Công ty. Đội tàu vận tải dầu thô của PV Trans Corp với số lượng tàu còn ít (02 tàu) chiếm thị phần còn rất nhỏ so với các công ty vận tải dầu quốc tế khác (có từ vài chục đến hàng trăm tàu). PV Trans đã ký kết nhiều hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc với các đối tác trong và ngoài nước như Hợp đồng nguyên tắc về việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thỏa thuận hợp tác với Glenco và Trafigura về vận tài dầu thô và sản phẩm dầu trên thị trường quốc tế ...

Cổ phiếu SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội tăng 175,5%

Đây là công ty hoạt động đa ngành gồm dịch vụ bất động sản, thương mại, kinh doanh xe gắn máy…

Các cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HOSE năm 2013
Các cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX năm 2013


Diễn biến chung toàn thị trường chứng khoán 2013:

Năm 2013, VN-Index đã tăng khoảng 22% còn HNX-Index đã tăng gần 19% trong năm 2013. Cụ thể, trong năm 2013, VN-Index đã tăng từ 413,73 điểm lên 504,63 điểm còn HNX-Index đã tăng 57,09 điểm lên 67,84 điểm.

Trong năm 2013, thị thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến số lượng doanh nghiệp huỷ niêm yết lớn nhất từ trước đến nay trên cả hai sàn. Riêng tại Sở Giao dịch TP.Hồ Chí Minh năm 2013 có 11 doanh nghiệp huỷ niêm yết, trong khi con số này trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 26 doanh nghiệp.

Diễn biến chỉ số VN-Index năm 2013

Trong năm qua, 3 công ty chứng khoán đã bị cơ quan quản lý rút giấy phép hoạt động là Công ty Chứng khoán Delta, Công ty chứng khoán Hà Nội và Công ty chứng khoán Trường Sơn. Ngoài ra, 1 công ty chứng khoán cũng đã được chấp thuận tự nguyện giải thể theo Luật doanh nghiệp là Công ty Chứng khoán Sao Việt.

Trong năm 2013, chỉ số VN Index tăng trên 22%, HNX Index tăng 19% so với cuối năm 2012 giúp cho thị trường cổ phiếu của Việt Nam lọt vào tốp 10 thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới.

Diễn biến chỉ số HNX-Index 2013

Quy mô của thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng với mức vốn hóa đến cuối năm 2013 đạt khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản và quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 31%.

Tổng giá trị huy động vốn trên thị trường vẫn đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Trong đó, huy động qua phát hành riêng lẻ đạt 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012).

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 55% so với năm 2012.

Năm 2013, thị trường trái phiếu đã huy động được xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng mạnh so với con số huy động 167 nghìn tỷ năm 2012.

Giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 1.600 tỷ đồng/phiên (gấp đôi năm 2012) giúp trái phiếu trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thu hẹp.

Tin liên quan
Tin khác