Nhiều doanh nghiệp lên tiếng quanh dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động
Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động nhận nhiều ý kiến trái chiều. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng”, khả năng còn kéo dài đến năm 2035, nên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào quy định trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần này chưa phải thời điểm thích hợp. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm tỷ lệ hưởng lương hưu, do mỗi năm về hưu trước tuổi phải trừ 2%. Vitas kiến nghị nên tăng tuổi nghỉ hưu cho khu vự hành chính sự nghiệp trước. Còn khu vực sản xuất cần có độ trễ có thể từ 5 – 10 năm (Xem thêm).
Một nội dung thay đổi khác cũng nhận được ý kiến trái chiều trong Dự thảo lần này là việc giảm giờ làm việc chính thức 4 giờ /tuần, từ mức 48 giờ/tuần hiện tại. Giám đốc nhân sự Công Ty TNHH May Mặc United Sweethearts Việt Nam (Malaysia) quy định này đang đẩy các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Theo tính toán từ doanh nghiệp này, việc giảm 4 tiếng làm việc/tuần sẽ đồng nghĩa với giảm 9,1% trung bình thu nhập cho lao động được trả lương theo giờ hoặc trả lương sản phẩm (Xem thêm).
Nhắc nhở doanh nghiệp nhà nước công bố thông tin
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Ủy ban này cũng được giao chủ trì đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 trở về trước và việc công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp năm 2017.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt vào tháng 9/2018 và hiện quản lý 19 công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty. (Xem thêm).
“Nóng” đất Long Thành
Chiều 23/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thành công phiên đấu giá khu đất khu dân cư theo quy hoạch 92,2 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành với giá trúng thầu đạt 3.060 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giá khởi điểm (1.645 tỷ đồng). Buổi đấu giá thu hút 6 doanh nghiệp tham gia. Thông tin từ CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN, sàn HNX) cho biết doanh nghiệp này cũng tham gia đấu giá. Tuy nhiên, nhà đầu tư bỏ giá cao nhất và trúng giá là CTCP Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An, công ty con do CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG, sàn HoSE) sở hữu 99,99%. Trước đó, vào giữa tháng 7, UBND tỉnh Đồng Nai đã đấu giá thành công khu đất gần 50 ha gần dự án sân bay Long Thành. Dù khởi điểm ở mức 612,5 tỷ đồng, giá trúng cao gấp đôi (gần 1.270 tỷ đồng).
Không chỉ khu đất xung quanh, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cũng đang có những bước chuyển mới. Cuối tháng 7/2019, báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đã được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) thực hiện đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước sau đó cho thuê lại, trực tiếp đầu tư các hạng mục thiết yếu của một sân bay (khai thác bằng vốn của ACV), hợp tác đầu tư hoặc nhượng quyền đầu tư, khai là các công trình dịch vụ như các hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm, nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh…
ACV khẳng định sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó để xác thực dòng tiền và khả năng cân đối nguồn cho tham vọng này. Ngoài ra, nếu tiếp tục giao ACV làm nhà đầu tư các dự án đầu tư tại các cảng hàng không sẽ dẫn tới nguy cơ khép kín trong đầu tư, khi đơn vị này vừa cấp quyết định đầu tư, thực hiện dự án, vừa tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác. (Xem thêm)
Sôi động thương vụ M&A
Trong tuần qua, Samsung SDS đã chi 850 tỷ đồng mua lại 25 triệu cổ phiếu do CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) phát hành mới. Giá mua bình quân 34.000 đồng/cổ phiếu. Đây là lần tăng vốn lớn nhất của CMG trong 10 năm qua. Sau giao dịch, Samsung SDS trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25% vốn điều lệ CMG. Ngoài ra, CMG còn hai cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Đầu tư MVI (14,49%) và Tập đoàn Geleximco (10,46%).
HAGL Agrico mới đây cũng đã tiếp tục bán toàn bộ 99,875% Công ty TNHH Đông Pênh cho Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi.
Ngoài ra, 0,083% vốn Đông Pênh do CTCP Bò sữa Tây Nguyên (công ty con của HAGL Agrico) nắm giữ cũng sẽ được chuyển sang cho Thadi. Đến 30/6, số tiền THADI đã ứng trước 4.337 tỷ đồng để mua lại (các) công ty con của HAGL Agrico lên đến 4.337 tỷ đồng.
Ngân hàng bỏ tiền túi “đỡ giá” cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo số lượng cổ phiếu ngân hàng dự kiến mua lại làm cổ phiếu quỹ tối đa là 10% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương tới hơn 245 triệu cổ phiếu. Với mức giá 19.600 đồng/cp, ước tính ngân hàng phải chi ra tới hơn 4.800 tỷ đồng. Nội dung trên đang được trình lấy ý kiến cổ đông thông qua.
Không riêng VPBank, hiện HDBank cũng đang lấy ý kiến cổ đông để mua tối đa 49 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương tỷ lệ 5%. Số tiền cần chi ra cũng xấp xỉ gần 1.300 tỷ đồng. Trước đó, trung tuần tháng 6. TPBank chi gần 627 tỷ đồng mua thêm 24 triệu cổ phiếu quỹ, qua đó nâng số lượng cổ phiếu quỹ lên 30 triệu cổ phiếu. MBBank cũng đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua 47 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 3. Thông tin mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ cũng hỗ trợ đáng kể giá cổ phiếu trong một thời gian. Tuy vậy, sau khi đạt đỉnh 25.500 đồng/cp từ đầu năm vào hồi trung tuần tháng 6, giá cổ phiếu TPB lại giảm sau đó.
Nhiều doanh nghiệp tăng mạnh vốn
Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu vào ngày 6/9. Với tỷ lệ chia thưởng 199,41%, vốn điều lệ của CTX dự kiến tăng gấp 3 lần lên 790,6 tỷ đồng. Chứng khoán Trí Việt (TVB) tuần qua cũng thông báo ngày đăng ký cuối cùng nhận quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 1:1. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này cũng tăng gấp đôi lên 484 tỷ đồng.