Cơ sở đặt mục tiêu tín dụng, lợi nhuận
Ngân hàng VIB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 30%/năm cho giai đoạn 2022 - 2026, nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần, giá trị vốn hóa tăng trưởng ấn tượng…
Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng về tổng tài sản, quy mô tín dụng, huy động và lợi nhuận trước thuế đều từ 30% trở lên.
Tuy nhiên, về room tín dụng, hiện vẫn chưa có thông tin phân bổ hạn mức cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khiến cổ đông VIB thắc mắc liệu Ngân hàng có được cấp room tín dụng 30% hay không.
Lý giải về cơ sở đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 30%, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, kế hoạch này phụ thuộc room tăng trưởng tín dụng NHNN cấp, mục tiêu chung cho ngành đã có, nhưng chỉ tiêu riêng cho từng ngân hàng chưa có. Do đó, kế hoạch đặt ra dựa vào năng lực phát triển, khả năng thực tế quản trị rủi ro của VIB để vẫn đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. MB đã được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 25%.
Cổ tức vẫn là điểm nóng được cổ đông quan tâm
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, VIB cũng đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng.
Ngân hàng MB vừa có quyết định về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 tại Hà Nội. Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 15/3, nhiều cổ đông của MB quan tâm đến tỷ lệ cổ tức năm 2021 sẽ được ngân hàng chi trả mức nào. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho biết, khối tài chính MB đang xây dựng các kịch bản để báo cáo với Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh tốt hơn hàng năm, MB sẽ cân nhắc khả năng chi trả cổ tức tăng tương ứng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, MB đã thông qua mức chi trả cổ tức 10-15%.
Vietcombank cho biết, sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 8/4, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021, tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021. Năm 2021, Vietcombank là quán quân lợi nhuận toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó.
Về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức, Ngân hàng MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch tăng vốn, MSB sẽ xin Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua và triển khai trong năm 2022, trong đó, Ngân hàng đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể.
Tỷ lệ cổ tức mà cổ đông ACB nhận hàng năm không dưới 25%. Các ngân hàng MB, OCB, HDBank có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Các câu chuyện riêng của ngân hàng trước thềm đại hội năm nay phần nào tác động lên cổ phiếu “vua”. Đáng chú ý là, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận đạt mức khả quan trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng của ngành hồi phục. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, năm 2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, biên lãi ròng cải thiện lên 4,12%. Tuy nhiên, theo BSC, mức độ phân hóa rõ rệt hơn, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ tiếp tục hạ được chi phí vốn.