Sức khỏe doanh nghiệp
Điểm sáng “cô đơn” của Hoàng Anh Gia Lai
Chí Tín - 10/02/2020 09:48
Con số lỗ khủng hơn 1.600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG, sàn HoSE) gây choáng váng các cổ đông sau một giai đoạn vốn đã khó khăn trước đó. Vậy trong bức tranh u ám về kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai hiện nay, nhà đầu tư có thể tìm thấy những điểm sáng nào?
Hoàng Anh Gia Lai đang tập trung hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh thu các mảng đều sụt giảm

Năm 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của đại gia vang bóng một thời Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 2.082 tỷ đồng, giảm tới 61,4% so với năm 2018. Về lợi nhuận, nếu năm 2018, Công ty tuy chỉ ghi nhận một mức lợi nhuận tối thiểu, đủ để có lợi nhuận với hơn 6,2 tỷ đồng sau thuế, thì năm 2019 thậm chí còn u tối hơn rất nhiều, với con số lợi nhuận sau thuế âm tới 1.609 tỷ đồng.

Riêng trong quý IV/2019, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 602,6 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước, theo đó lợi nhuận sau thuế quý IV cũng bị âm 343 tỷ đồng.

Trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các lĩnh vực đều sụt giảm doanh thu. Cụ thể, doanh thu bán trái cây giảm 226 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ, nguyên nhân sụt giảm do Hoàng Anh Gia Lai không còn hợp nhất doanh thu từ nhóm Công ty Đông Dương và Công ty TNHH MTV Cao su Tây Nguyên. Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa giảm 82 tỷ đồng do chủ trương của Công ty tập trung vào đầu tư cây ăn trái.

Một số mảng kinh doanh khác cũng bị suy giảm doanh thu. Trong đó, doanh thu bán bò giảm 35 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ. Lý do là Hoàng Anh Gia Lai không còn ưu tiêu nguồn vốn lưu động phục vụ cho ngành chăn nuôi bò, mà tập trung cho mảng trái cây. Doanh thu mảng cao su giảm 67 tỷ đồng so với cùng kỳ, doanh thu bán ớt giảm 60 tỷ đồng so với cùng kỳ cũng do Công ty chủ trương chuyển dịch cây trồng.

Điểm sáng lẻ loi

Trong bức tranh nhiều mảng tối phủ rộng trên hầu hết các mảng, lĩnh vực kinh doanh không phải không có một vài điểm sáng, dù chỉ ở mức khiêm nhường.

Chẳng hạn, trong bối cảnh khó khăn chung, công ty này đã tiết giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp với mức giảm được 193 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ năm trước. Khoản chi phí này giảm một phần do trong quý IV/2018, Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong khi khoản này phát sinh ít hơn trong quý IV/2019. Ngoài ra, việc phân bổ lợi thế thương mại trong quý IV/2019 cũng ít hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính cũng có chút hiệu quả hơn nhờ doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2019 tăng 19 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại giảm được 6 tỷ đồng.

Nhìn trên góc độ chung toàn tập đoàn, Hoàng Anh Gia Lai đã giảm được gần 10.000 tỷ đồng nợ phải trả trong năm 2019, với tổng nợ tại thời điểm này chỉ còn 21.577 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn là 1,27 lần vào cuối năm 2019, so với tỷ lệ 1,72 lần trước đó 1 năm.

Ngoài ra, việc sụt giảm một số mảng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai do doanh nghiệp này có định hướng chủ động thu hẹp một số mặt hàng để tập trung cho lĩnh vực cây ăn trái. Chủ trương tập trung vào cây ăn trái được thực thi kể từ sau thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) đầu tư vào công ty con của Hoàng Anh Gia Lai là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Theo đó, từ năm 2018, Thaco đã đầu tư góp vốn vào HAGL Agrico, Công ty THADI do Thaco thành lập cũng đã mua cổ phần 3 công ty con của HAGL Agrico.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời cũng là Chủ tịch HAGL Agrico cho biết, Hoàng Anh Gia Lai không bán đất cho Thaco. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đang thiếu và cần vốn để trả nợ, trong đó trả nợ ngân hàng, do đó Công ty kêu gọi Thaco cùng đầu tư, hợp tác vào 2 công ty, chứ không phải bán đất.

Trong năm 2019 vừa qua, HAGL Agrico cũng chịu chung cảnh thua lỗ giống công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai, nhưng cán cân nợ so với vốn của doanh nghiệp này đã cân bằng hơn nhiều so với trước. Tổng nợ phải trả của HAGL Agrico tại thời điểm 31/12/2019 đã giảm được gần 6.500 tỷ đồng so với trước đó 1 năm, chỉ còn ở mức hơn 13.365 tỷ đồng, cao hơn không quá nhiều so với vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm là 9.886 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác