* PHS khuyến nghị nắm giữ VCS với giá mục tiêu 74.930 đồng/CP
Bằng phương pháp DCF và P/E, mức giá mục tiêu của cổ phiếu VCS ở 74.930 đồng/CP, tương đương mức P/E Forward 9.05x, ứng với mức tăng 8.43%. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu này.
Sau thông tin chi gần 314 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2019, Vicostone công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 khá khả quan với doanh thu thuần dự kiến đạt 1.393 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước và sau thuế ước đạt lần lượt 460 tỷ đồng và 392 tỷ đồng, tăng 31,4% và 29,8% so với cùng kỳ. Với những thông tin tích cực trên, cổ phiếu VCS đã đón nhận những phiên giao dịch khởi sắc, đặc biệt là phiên cuối tuần ngày 12/7.
Thống kê với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 10/7 và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 8/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCS tăng 6.400 đồng/Cp (+9,41%) từ mức 68.000 đồng/Cp lên 74.400 đồng/Cp.
* KBSV khuyến nghị nắm giữ, VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu ACB
KBSV đưa ra khuyến nghị HOLD đối với cổ phiếu ACB tại mức giá 29.800 đồng/CP hiện tại, thời gian là 1 năm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn 6 tháng sắp tới, cố phiếu ACB vẫn sẽ có cơ hội tăng giá nhờ kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng với chất lượng tài sản tốt, yếu tố đột biến nếu thành công trong việc ký kết hợp đồng bancassurance hay hỗ trợ từ thị trường chung nếu FED thực hiện kích thích kinh tế qua việc giảm lãi suất trở lại. Mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn có thể đạt 33.000 – 35.000 đồng/CP, tức là P/B 2019 sẽ được duy trì tương đương mức hiện tại.
Trong khi đó, VCSC khuyến nghị khả quan đối với ACB với giá mục tiêu là 35.100 đồng/CP. Ở mức giá hiện tại, ACB đang giao dịch với mức P/B dự phóng là 1,4 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Trong tuần qua, ACB đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.620 tỷ đồng, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời ngân hàng cũng đã được nâng room tăng trưởng tín dụng từ 13% lên 17%. Với những thông tin tích cực, diễn biến cổ phiếu ACB tuần qua cũng khởi sắc khi đón nhận 2 phiên tăng mạnh và 3 phiên điều chỉnh nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 900 đồng/Cp (+3,08%) từ mức 29.200 đồng/Cp lên 30.100 đồng/Cp.
* Theo BSC, có thể mở vị thế mua khi VRE vượt ngưỡng 36.5
Ngưỡng kháng cự khá mạnh của VRE là vùng giá 36.5. Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua khi VRE vượt ngưỡng 36.5 đi kèm khối lượng tăng đột biến. Cắt lỗ khi VRE đóng cửa dưới MA50 – vùng giá 34.8 (4.9%). Chốt lời vùng giá 40.
Mặc dù được nhận định khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu VRE tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 150 đồng/Cp (+0,42%) từ mức 35.750 đồng/Cp lên 35.900 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho VJC với giá mục tiêu 150.200 đồng/CP
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho VJC với giá mục tiêu 150.200 đồng/CP, với tổng mức sinh lời 18%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,8%.
Vừa qua, HĐQT Vietjet đã thông qua việc mua tối đa 25 triệu cổ phiếu quỹ, nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu VJC không được như kỳ vọng. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC tăng nhẹ 700 đồng/Cp (+0,54%) từ mức 129.500 đồng/Cp lên 130.200 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 150.200 đồng/CP, giá hiện tại của VJC còn thấp hơn 13,32%.
* Theo BSC, cổ phiếu CTD sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 120
Tín hiệu về xu hướng tăng đang xác lập khi cổ phiếu hồi phục mạnh khi thanh khoản cũng đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang cho thấy tín hiệu tích cực với xu thế tăng khá vững chắc. Đường giá CTD cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku và ủng hộ xu hướng tăng giá. Như vậy, CTD có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự tiếp theo tại ngưỡng giá 120 (Fibonacci 38.2%).
Cổ phiếu CTD đã có tuần giao dịch khởi sắc khi đón nhận tới 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày đầu tuần 8/7. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD tăng 5.600 đồng/Cp (+5,32%) từ mức 105.200 đồng/Cp lên 110.800 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 120.000 đồng/CP, giá hiện tại của CTD còn thấp hơn 7,67%.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 22.800 đồng/CP
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 22.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời 41,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 6%). Theo giá đóng cửa phiên hôm nay, PVT hiện đang giao dịch tại mức EV/EBITDA 2019 là 4,3 lần và P/E là 8,3 lần.
Cũng như những cổ phiếu ở trên, tuần qua, PVT giao dịch khá khởi sắc nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan với doanh thu đạt 4.170,3 tỷ đồng, tương đương 156% kế hoạch 6 tháng; lợi nhuận trước thuế đạt 480,1 tỷ đồng, tương đương 196% kế hoạch 6 tháng, tăng 3% cùng kỳ năm trước. Thống kê với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 950 đồng/Cp (+5,78%) từ mức 16.450 đồng/Cp lên 17.400 đồng/Cp.
* Theo BSC, cổ phiếu PVS có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 26.5
Tín hiệu về xu hướng tăng đang xác lập khi cổ phiếu hồi phục mạnh sau khi chạm ngưỡng đáy 22.80 (Fibonacci 50.0%). Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang cho thấy tín hiệu tích cực với xu thế tăng khá vững chắc. Như vậy, PVS có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự tiếp theo tại ngưỡng giá 26.5 (Fibonacci 78.6%).
Tuần qua, cổ phiếu PVS đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 400 đồng/Cp (+1,71%) từ mức 23.400 đồng/Cp lên 23.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 26.500 đồng/CP, giá hiện tại của PVS còn thấp hơn 10,19%.
* MBS khuyến nghị mua MWG với giá mục tiêu là 110.500 đồng/CP
Dựa vào phương pháp so sánh, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu là 110.500 đồng/CP, hiện tại P/E forward năm 2019 là 13.x lần. Mặc dù kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm ấn tượng, tăng trưởng 36% nhưng MBS vẫn giữ nguyên dự phóng tăng trưởng 30% cả năm do yếu tố mùa vụ sẽ giảm bớt trong quý 3, quý 4.
Cổ phiếu MWG cũng đã có tuần giao dịch khá khởi sắc khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 2.700 đồng/Cp (+2,83%) từ mức 95.400 đồng/Cp lên 98.100 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 110.500 đồng/CP, giá hiện tại của MWG còn thấp hơn 11,22%.
* MBS khuyến nghị mua PNJ với giá mục tiêu là 79.000 đồng/CP
Mức giá mục tiêu cuối năm 2019 là 79,000 đồng, dựa trên các chất xúc tác trong trung hạn. Các nhà kim hoàn Việt Nam chứng kiến doanh số bán hàng của họ tăng trong năm 2018 nhờ tăng trưởng kinh tế cao và mở rộng mạng lưới bán hàng. Năm 2019, trong trường hợp tăng trưởng kinh tế chậm lại, sức mua người tiêu dùng yếu hơn thì các mặt hàng cao cấp như PNJ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Về dài hạn, tại thị trường Việt Nam, chúng tôi thích PNJ với hệ thống cửa hàng đủ để củng cố thị trường vàng và khả năng cung cấp cả các sản phẩm thời trang và sang trọng.
Tuần qua, PNJ đã thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Thông tin tích cực này đã không hỗ trợ giúp cổ phiếu PNJ duy trì đà tăng trong tuần đầu tháng 7. Thống kê với 1 phiên tăng ngày cuối tuần 12/7, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 11/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 900 đồng/Cp (-1,2%) từ mức 74.500 đồng/Cp xuống 73.600 đồng/Cp.