Cơ hội giảm giá ô tô "made in Việt Nam" sẽ khó khăn hơn. |
Liên quan đến việc sửa các luật thuế, Bộ Tài chính đang tính toán các phương án liên quan đến việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô.
Khoản 1 Điều 6 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương thì quy định nêu trên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Do vậy, ngày 28/4/2017, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó, có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.
Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng). Điều này nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án liên quan giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô,
Phương án 1: Giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).
Phương án 2: Thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương, theo đó, giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Nếu thực hiện theo phương án này, giá ô tô do các nhà máy trong nước sản xuất sẽ có cơ hội giảm giá càng nhiều nếu tỷ lệ linh kiện “made in Việt Nam” càng lớn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng phương án này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT.
Cụ thể: Điều III khoản 1: Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.
Điều III khoản 5: Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi một khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa. Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại khoản 1.
Điều này có nghĩa, nếu thực hiện theo phương án Bộ Công Thương đề xuất thì sẽ tạo ra phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, dẫn đến vi phạm cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1, tức là không có thêm ưu đãi riêng cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện “made in Việt Nam”.
Vì thế, cơ hội để ô tô sản xuất trong nước dùng nhiều linh kiện trong nước có cơ hội giảm giá là rất mong manh. Ô tô giá rẻ thêm một lần khó thành hiện thực.