Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và trực tiếp chủ trì diễn đàn. Cùng tham dự diễn đàn còn có Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, giao thông vận tải và hơn 500 CEOS các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp logistics trên toàn quốc.
Quang cảnh Diễn đàn Logistics Việt Nam lần 6. |
Ngày 22/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Theo tinh thần của Nghị quyết, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần được phát triển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Đây cũng là thời điểm nhìn lại hai năm thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với nhiều cơ hội và thách thức mới mang tính toàn cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, cũng bộc lộ những bất cập mà nổi bật là tính liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi logistic.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam luôn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, giữa vững ổn định chính trị - xã hội. Hiện nay, đã có hơn 21.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như Samsung, Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, LG... Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được Quốc hội phê chuẩn. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các hiệp hội, Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia chỉ ra thách thức và tiềm năng phát triển cho ngành logistics Việt Nam. Nhiều biên bản hợp tác được ký kết nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ, nâng cao trình độ nhân lực ngành logistics vì mục tiêu kinh tế Việt Nam tăng trưởng, bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chào mừng diễn đàn. |
Trong phần khai mạc, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương hy vọng Diễn đàn hôm nay sẽ cho chúng ta gợi ý về một số nội dung mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại. “Có 4 vấn đề lớn, đó là thách thức về hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam; về việc mở rộng thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam; cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng”, ông Hưng đặt vấn đề.
Trong phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh vào 4 nhóm vấn đề cần tập trung để thúc đẩy logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế gồm: kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; hợp tác thương mại, đầu tư nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mơi tư duy sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tac phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN.
“Hoạt động logistics và kết nối hiệu quả, tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc vào khá nhiều vào khả năng tham gia vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. |
Về phía tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh luôn xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến nă 2025” với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Theo đó, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các nước trong khu vực tam giác phát triển, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng. Tỉnh sẽ có 6 trung tâm logistics gồm Trung tâm logistics Cái Lân (Hạ Long); Trung tâm logistics Vân Đồn, kết nối chuỗi cảng hàng không Vân Đồn - cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả); Trung tâm logistics Quảng Yên; Trung tâm logistics khu hợp tác kinh tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); Trung tâm logistics Hải Hà; Trung tâm logistics Bình Liêu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, ngoài phiên toàn thể sẽ tiến hành song song hai phiên thảo luận theo chuyên đề. Ở chuyên đề thứ nhất, những vấn đề được đặt ra gồm: phát triển Quảng Ninh thành cửa ngõ logistics khu vực Đông Bắc, tiến đến các trung tâm logistics thế hệ mới tại Việt Nam, áp dụng công nghệ blockchain trong logistics, các xu hướng trong logistics hiện đại... Chuyên đề mở rộng thị trường dịch vụ logistics sẽ có các trình bày về đẩy mạnh kết nối, khai thông thị trường dịch vụ logistics; phát triển dịch vụ last-mile logistics tại Việt Nam; Logistics cho Thương mại điện tử - xu thế và cơ hội; dịch vụ đường sắt kết nối Việt Nam với Châu Âu.
Cũng trong diễn đàn, đã diễn ra 4 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới: (1) UBND tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, (2) Meridian Shipping Services Group và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Trung tâm vận tải và Logistics, (3) Đại học Hàng hải Việt Nàm và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, (4) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Trung tâm vận tải và logistics Việt Phúc Joinstock Company và ký kết bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ cuộc thi tài năng trẻ logistics Việt Nam.
Nhân dịp này, Bộ Công thương đã trao tặng Bằng khen cho 10 tổ chức, doanh nghiệp và 10 cá nhân có thành tích và đóng góp vào sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam.