Ảnh minh họa |
Chưa qua cửa thẩm định
Tiến độ triển khai Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) có thể bị kéo dài, nếu chiểu theo các yêu cầu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa đặt ra cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án là UBND tỉnh Lạng Sơn.
Tại Công văn số 7984/BGTVT-GSTĐĐT gửi UBND tỉnh Lạng Sơn vào giữa tuần này để phản hồi về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận việc UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất phương án đầu tư đoạn từ Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) - Km44+749 (huyện Chi Lăng), với cấp đường giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Đây là phương án được UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất trong Công văn số 1505/UBND-KT ngày 13/11/2021 để giải trình, bổ sung Hồ sơ Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định liên ngành.
Tại phương án này, trong giai đoạn phân kỳ (giai đoạn I), UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe theo quy hoạch được duyệt (nền đường rộng 32,25 m). Sơ bộ, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn I là 6.648 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 800 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là 3.348 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 1.004 tỷ đồng, vốn vay 2.344 tỷ đồng).
Theo Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành, phương án đầu tư mà UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đề xuất đã có nhiều thay đổi so với nội dung đề nghị điều chỉnh tại Tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 16/5/2021.
“Vì vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho phương án đầu tư mới để tổ chức thẩm định theo quy định”, Công văn số 7984 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Nếu không tính lần đề xuất điều chỉnh vào tháng 5/2021, công trình này đã qua 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2018, nhưng vẫn chưa thể triển khai trên thực địa. Sau khi lỡ tiến độ hoàn thành vào năm 2020, Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang được UBND tỉnh Lạng Sơn lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.
Cấn cá về năng lực nhà đầu tư
Được biết, lý do dẫn tới những thay đổi liên quan đến quy mô Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, theo UBND tỉnh Lạng Sơn là ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó, quy định quy mô đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là 6 làn xe thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030. Như vậy, nếu thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với quy mô là 4 làn xe là không phù hợp.
Cần phải nói thêm, ngoài quy mô dự án, một trong những nội dung quan trọng khác được Cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn làm rõ liên quan đến nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Cụ thể, tại Tờ trình số 62/TTr- UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định các nhà đầu tư đang thực hiện Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng gồm 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty cổ phần Licogi16 và Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh.
Đến ngày 21/9/2021, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đơn vị kế thừa vị trí của UDIC đã gửi văn bản tới Hội đồng Thẩm định liên ngành thông báo không tiếp tục tham gia Dự án.
Cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn làm rõ nội dung này, đồng thời rà soát lại toàn bộ việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lạng Sơn xác định chính xác các nhà đầu tư tham gia Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương án vừa được đề xuất; xác định mức vốn chủ sở hữu mỗi nhà đầu tư tham gia góp trong số 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
“UBND tỉnh Lạng Sơn cung cấp các tài liệu làm căn cứ xác định nguồn vốn chủ sở hữu của mỗi nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án theo phương thức PPP, để Hội đồng Thẩm định liên ngành cho ý kiến thẩm định”, đại diện Cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành nhấn mạnh.