Số tiền thu hồi đã có địa chỉ đầu tư |
Cụ thể, sẽ thu hồi 867,942 tỷ đồng, trong đó có 179,985 tỷ đồng vốn trong nước và 687,957 tỷ đồng vốn vay nước ngoài của 5 bộ, ngành và 2 địa phương do phân bổ không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng.
Số vốn trong nước thu hồi dự kiến bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng và cơ yếu. Còn số vốn nước ngoài thu hồi dự kiến bố trí cho các địa phương triển khai các dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (453,235 tỷ đồng); bổ sung 103,83 tỷ đồng cho TP.HCM để chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập. Số tiền còn lại dự kiến bố trí thực hiện các dự án của tỉnh Long An, An Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên do đây đều là những địa phương nghèo và các dự án này dự kiến kết thúc vào năm 2017 theo cam kết với nhà tài trợ, nhưng thiếu vốn thực hiện.
“Thu hồi vốn ở đây, thực chất không phải là số tiền đã giao sai, giao không đúng quy định…, mà chỉ là thu hồi số vốn đầu tư dự kiến giao theo kế hoạch năm 2017, nhưng đến thời điểm này chưa đủ thủ tục, nên không giao nữa và điều chuyển kế hoạch vốn cho dự án khác”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích.
Việc phải thu hồi kế hoạch vốn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có nguyên nhân là từ tháng 7 đến tháng 9 năm trước, các bộ, ngành, địa phương bắt đầu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho năm sau để Quốc hội quyết quyết định vào tháng 11 cùng năm. Do thời gian xây dựng kế hoạch vốn khá xa so với thời điểm tiến hành đầu tư, nên độ chính xác không cao.
Cho ý kiến về phân bổ kế hoạch vốn dự kiến sẽ thu hồi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đối với nguồn vốn trong nước thì có thể chủ động điều chuyển cho dự án khác, nhưng dự án được bổ sung vốn phải nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn; nếu không phải là những dự án thực sự cấp bách, thực sự cần thiết. Còn đối với vốn nước ngoài, khi phân bổ lại phải theo đúng nguyên tắc, đúng hiệp định vay vốn.
“Các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang đã và đang bị mưa lũ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông bị hư hại nghiêm trọng. Liệu chúng ta có mạnh dạn sử dụng một phần số tiền vốn trong nước thu hồi để đầu tư cho các địa phương này, vì các dự án đó không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng lại thực sự cần thiết, cấp bách?”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt hại mà đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp phải do mưa lũ, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số tiền thu hồi đã có địa chỉ đầu tư. “Còn đối với Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại toàn bộ thiệt hại. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ lên phương án, đề xuất với Chính phủ xử lý căn cơ, bài bản cho các địa phương bị thiệt hại. Còn trước mắt, sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2017 để khắc phục thiệt hại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.