Với việc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, Vinalines có cơ hội tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu trong quý III/2020. |
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 277/QĐ – UBQLV điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Theo đó, vốn điều lệ của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 14.046 tỷ đồng tại Quyết định số 751/QĐ – TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xuống 12.005,88 tỷ đồng.
Quy mô cổ phần phát hành lần đầu giảm tương ứng, chỉ còn 1.200.588.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cổ phần Nhà nước nắm giữ 1.194.213.300 cổ phần, chiếm 99,469% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 392.500 cổ phần, chiếm 0,038% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 500.000 cổ phần, chiếm 0,452% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 5.420.900 cổ phần, chiếm 0,452% vốn điều lệ.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Ban chỉ đạo CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện các thủ tục liên quan tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công thành công ty cổ phần và hoàn tất các thủ tục còn lại trong công tác CPH theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam căn cứ tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ theo phương án CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào dự thảo Điều lệ để thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu về quyền bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần sau khi công ty cổ phần chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 751, hình thức CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ của Tổng công ty là 14.046 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,27% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn là 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8% vốn điều lệ và cổ phần bán đấu giá công khai là 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.
Do không chọn được cổ đông chiến lược, nên vào đầu tháng 8/2018, Bộ Giao thông - Vận tải phải ra quyết định điều chỉnh số lượng cổ phần IPO. Theo đó, chuyển số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược (khoảng 207,8 triệu cổ phần) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.
Trong quá trình bán cổ phần, Vinalines chỉ bán được một phần số lượng cổ phần bán đấu giá công khai và cổ phần bán cho người lao động theo phương án được duyệt. Cụ thể, cổ phần bán cho người lao động chỉ đạt 0,033%/0,16%; bán đấu giá công khai chỉ đạt 0,452%/34,8% vốn điều lệ. Như vậy, số lượng cổ phần thực tế bán bao gồm số cổ phần do Nhà nước nắm giữ trước đó là 1.200,58 triệu cổ phần.
Theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, trường hợp không bán hết cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ.
Ngày 11/6/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần quy định “số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt”.
Nếu đối chiếu theo Thông tư số 34/2019/TT-BTC thì sau khi hoàn tất cổ phần hóa, Công ty mẹ - Vinalines sẽ có số vốn điều lệ là 12.005,8 tỷ đồng, tương đương 1.200,58 triệu cổ phần phát hành lần đầu, trong đó cổ đông nhà nước nắm 99,469% vốn điều lệ; người lao động và tổ chức công đoàn nắm 0,08% vốn điều lệ; cổ đông bên ngoài nắm 0,452% vốn điều lệ.