Khu công nghiệp Ninh Thuận. Ảnh minh họa |
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi cụm công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thành khu công nghiệp Thành Hải.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch của khu công nghiệp Cà Ná từ 1.000 ha xuống còn 827,2 ha; bổ sung quy hoạch khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với quy mô diện tích là 77,987 ha.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện quy hoạch; thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và thành lập khu công nghiệp Thành Hải theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập, mở rộng khu công nghiệp phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành; xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng triển khai chậm tiến độ.
UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Trước đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (2 tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập chiến lược, Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển.
Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2020 đã được xác định như sau: xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt nam trong tương lai, kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh”, tốc độ tăng GDP bình quân 18 - 19%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.400 USD và đến năm 2020 đạt 2.800 USD, bằng 85% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Tỉnh ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng; du lịch; nông - lâm - thủy sản; công nghiệp; giáo dục - đào tạo và xây dựng, kinh doanh bất động sản, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 6 cụm ngành này đóng góp 91% GDP, giải quyết 85% lao động của tỉnh.