Ngay sau khi NHNN điều chỉnh tăng biên độ giao dịch, tỷ giá VND/USD trên thị trường lên tục tăng mạnh |
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, áp dụng từ ngày 19/8/2015. Đồng thời, biên độ tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng từ +/-2% lên +/-3%. Như vậy, tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD. Trước đó, ngày 12/8, NHNN đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Với việc điều chỉnh lần này, tỷ giá VND/USD đã tăng tổng cộng 3% so với đầu năm (hai lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng trước đó trong năm nay được thực hiện vào ngày 7/1 và 7/5, mỗi lần tăng 1%). Và việc nới rộng biên độ giao dịch trên thực tế cho phép tỷ giá tăng tổng cộng 5,4% so với đầu năm.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này được đánh giá là hợp lý, kịp thời, phù hợp với các diễn biến mới của thị trường. Tính từ đầu năm đến ngày 18/8, một loạt đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm giá khá mạnh so với USD, như yên Nhật (JPY) giảm 3,24%), ruble Nga giảm 12,04%, nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) giảm 5,44%.
Gần đây nhất, trong vòng 3 ngày từ ngày 11/8/2015, Trung Quốc đã chủ động phá giá CNY tới 4,6%. Ngay sau sự kiện này, kéo theo việc giảm giá của nhiều đồng tiền trong khu vực. Các đồng tiền trong khu vực giảm giá nhiều so với đầu năm bao gồm: baht Thái Lan (THB) giảm 7,79%), kyats của Myanmar (MMK) giảm 23,12%, rupiah của Indonesia (IDR) giảm 9,4%, ringgit của Malaysia (MYR) giảm 6,08%.
Tại Việt Nam, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tăng biên độ giao dịch tỷ giá từ 1% lên 2%, tỷ giá VND/USD trên thị trường lên tục tăng. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá được giao dịch ở mức giá trần.
Trước áp lực lớn từ thị trường, NHNN đã bán ra ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá. NHNN đã bán ra khoảng 400 triệu USD ngày 11/8 và bán thêm khoảng 300 triệu USD ngày 14/8. Tính từ đầu năm đến ngày 14/8, NHNN đã bán hơn 3 tỷ USD để hỗ trợ giá trị VND. Tuy nhiên, về dài hạn, NHNN không thể tiếp tục làm như vậy, vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể bị sụt giảm về mức không an toàn.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cơ cấu tiền tệ vay nợ hiện tại, nếu tỷ giá USD được điều chỉnh tăng thêm 1% thì nghĩa vụ nợ công tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng, khiến tình hình thu - chi ngân sách khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục giữ tỷ giá, áp lực tăng lãi suất VND sẽ ngày càng lớn. Trong khi đó, việc phá giá VND kịp thời giúp duy trì mức lãi suất VND hiện tại, hoặc giảm nhẹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ sau khi tăng mạnh gần đây sẽ nhanh chóng được điều chỉnh giảm, giúp Chính phủ cũng như doanh nghiệp không bị tăng chi phí vay vốn.
Trên thị trường ngoại hối, ngay sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN được điều chỉnh tăng, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nhảy vọt. Ngày 21/8/2015, tỷ giá bán ra tại một số các ngân hàng thương mại đã tăng lên 22.480 VND/USD, chỉ thấp hơn mức giá trần 67 đồng.
Giá cổ phiếu chứng khoán đã giảm nhiều những ngày qua, chủ yếu do giá dầu giảm. Chúng tôi tin rằng, việc phá giá VND lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường cổ phiếu, vì nó đưa giá trị của VND về gần giá trị thực hơn.
Nếu NHNN trì hoãn việc phá giá, nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài sẽ có xu hướng bán cổ phiếu và mua USD để chờ cho đến khi VND phá giá. Giờ đây, tỷ giá chính thức đã được điều chỉnh tăng, thị trường không còn động lực hơn để bán vì lý do đó. Ngoài ra, dòng vốn ngoại còn có thể sẽ muốn tham gia thêm vào thị trường ở mức tỷ giá mới.
Việc lợi suất trái phiếu tăng do VND giảm giá cũng khiến thị trường suy giảm trước đó. VND giảm giá khiến lợi suất trái phiếu tăng đáng kể. Và giữa lợi suất trái phiếu và chỉ số P/E trên thị trường cổ phiếu có mối tương quan trái chiều mạnh, nên việc lợi suất trái phiếu tăng có thể tác động tiêu cực làm giảm chỉ số P/E. Nếu nhà đầu tư tin tưởng rằng, VND hiện đã được định giá đúng, thì lợi suất trái phiếu có thể giảm và các tác động này chỉ là tạm thời. Do đó, nhà đầu tư cổ phiếu nên theo dõi chặt chẽ thị trường trái phiếu chính phủ.n