Xuất khẩu là một điểm sáng của nền kinh tế từ đầu năm đến nay. Trong ảnh: Hoạt động tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh |
Những dự báo lạc quan
“Khả quan” là cụm từ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dùng để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 8 tháng đầu năm. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã thống nhất quan điểm rằng, trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực hơn; chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Đó chính là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 mới đây đã đưa ra dự báo rằng, ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Trong số các chỉ tiêu đạt kế hoạch, đáng chú ý là các chỉ tiêu liên quan đến tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.
Cuối năm ngoái, sau khi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (10%), Chính phủ chỉ dè dặt đưa ra con số tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu là một điểm sáng của nền kinh tế. Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài yếu tố lượng, thì việc giá cả của đa số mặt hàng xuất khẩu tăng đã đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả năm, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm ngoái, cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu dự báo đạt 205 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2016. Với kết quả này, nhập siêu cả năm ước chỉ dừng ở con số 3 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (3,5%).
Năm 2017, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát không còn được đặt ra quá nặng nề, bởi những năm gần đây, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định khá vững chắc, thì mục tiêu tăng trưởng GDP lại là một trong những nỗi lo lớn. Không ít dự báo cho rằng, khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% như đã đề ra.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đạt được mục tiêu này là “có khả năng”. Thậm chí, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, ước tăng trưởng ngành khai khoáng giảm (âm) 5,9%, ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Nếu giả định ngành khai khoáng không giảm (tăng trưởng 0%), thì tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế đạt tới 7,24%, ghi nhận sự đột phá của các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến - chế tạo.
Điều kiện cần và đủ để kinh tế tăng trưởng 6,7%
Dù khá lạc quan với dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm nay có khả năng đạt mục tiêu đề ra, song chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng thời đưa ra các “điều kiện” để có thể đạt được mục tiêu đó. Đó là các ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo; tăng trưởng ngành khai khoáng không giảm quá sâu; các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đề ra đạt hiệu quả tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Nếu các điều kiện cần và đủ này là đạt được, thì theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6,7%, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,59% (công nghiệp tăng 7,16%, xây dựng tăng 9,6%); dịch vụ tăng 7,46%. Theo đó, quy mô GDP (theo giá hiện hành) khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.397 USD.
“Việc chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần việc dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bình luận.
Liên quan vấn đề trên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc nền kinh tế có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đạt 21 - 22%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, các giải pháp liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phải rà soát 5.719 thủ tục kinh doanh, tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp...
“GDP quý I tăng trưởng 5,15%, quý II tăng 6,17%, 6 tháng tăng 5,73%. Vậy 6 tháng còn lại của năm 2017 phải bảo đảm được tăng trưởng 7,42%. Mục tiêu này được đặt ra với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất rõ cho các cấp, các ngành, nhất là các bộ trưởng, các bộ chuyên ngành, các các tỉnh, vùng trọng điểm công nghiệp. Muốn tăng trưởng 6,7%, phải thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp và trong vấn đề này có kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.