Y tế - Sức khỏe
Điều kỳ diệu đến từ ghép tạng
D.Ngân - 19/07/2023 07:19
Một chàng trai 32 tuổi chết não do tai nạn giao thông đã hiến tặng tim để hồi sinh sự sống cho 1 bệnh nhân ở Huế và hiến tặng gan, 2 thận cho 3 bệnh nhân.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, Đ.V.Th, 32 tuổi, trú lại Lương Sơn, Yên Lập, Phú Thọ không may bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về.

Th. được gia đình chuyển đến bệnh viện huyện Dân Lập, Phú Thọ, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, Th. rơi vào tình trạng chết não.

Ê kíp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuẩn bị lấy tạng hiến của bệnh nhân Th. 

Khi biết Th. không thể qua khỏi, với sự vận động của Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gia đình đã đồng ý hiến mô/tạng của Th. để hồi sinh sự sống cho những người bệnh nặng. 

Chàng trai ấy đã khép lại tuổi thanh xuân khi nhiều ước mơ còn dang dở, nhất là khi chưa mang về cho gia đình một nàng dâu. Trước đó, khi Th. mới 16 tuổi, anh trai của Th. cũng đã mất vì tai nạn giao thông, mẹ Th. cũng mới qua đời được 1,2 năm.

Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp tại Phú Thọ, giờ chỉ còn lại bố Th. với gương mặt khắc khổ, lam lũ và nỗi đau tưởng chừng như khiến ông cạn khô nước mắt. 

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã điều phối trái tim của Th. tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn - suy tim 13 năm. Hành động nhân văn đó đã tiếp tục lập kỳ tích: thêm 1 ca ghép tim xuyên quốc gia từ Hà Nội vào Huế thành công.

Niềm hy vọng và sự sống còn tiếp tục mở ra khi 2 bệnh nhân ghép thận và 1 bệnh nhân ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng được hồi sinh từ tạng hiến của chàng trai Phú Thọ. Hiện tại, cả 4 bệnh nhân có chỉ số sau ghép đều ổn định. 

Với sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hãng hàng không Bamboo Airways, đã thực hiện hành trình đặc biệt “chạy đua” với thời gian chở theo trái tim từ Hà Nội và Huế. 

Tại chuyến bay mang số hiệu QH 1201 ngày 6/7/2023 của Hãng hàng không Bamboo Airways, 159 hành khách bay tới Huế đã vui vẻ chờ đợi 23 phút để cất cánh cùng một trái tim “đặc biệt”.

Trên cổng thông tin chính thức, Hãng đã chia sẻ, ngày hôm nay, 159 hành khách bay tới Huế đã phải chờ đợi 23 phút để được cất cánh. Mong rằng bạn đã không phiền lòng và mệt mỏi.

Bởi có một cuộc đời ở Huế, đêm nay, hy vọng sẽ được viết tiếp, nhờ một trái tim đã gấp gáp chạy đua với thời gian để lên tàu cùng chúng ta, cùng ekip ghép tạng, bền bỉ từng nhịp đập đợi hạ cánh và đến được tới cửa phòng cấp cứu. 

Được biết, theo thống kê của Bộ Y tế, số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, từ 283 ca (năm 2014) lên 1.004 ca (năm 2022); đến nay, cả nước đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng.

Đáng chú ý, nếu trước đây chỉ là các bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Trung ương Huế, Chợ Rẫy (TP.HCM) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại Việt Nam, nếu như năm 2014 mới chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, đến cuối tháng 6/2023, số người đăng ký đã tăng lên hơn 73 nghìn người.

Đạt được con số ấn tượng này có phần đóng góp rất lớn của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và vai trò của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn liên quan tới công tác hiến tạng.

Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn người ngày đêm vật lộn với sự sống để chờ đợi được ghép mô, tạng nhưng nguồn tạng hiến tặng còn rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn hiến sống.

Số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90% (chủ yếu hiến thận và gan)..., ngược lại hoàn toàn so với các nước phát triển, khi tỷ lệ các ca ghép tạng chủ yếu là từ người chết não hiến.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, việc vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, khó khăn. Cần có những giải pháp cụ thể để có thể “phá băng” được quan niệm “chết toàn thây”, vốn là lực cản của việc hiến tặng mô, tạng từ người chết não.

Bên cạnh đó, những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng cần sớm được sửa đổi, bổ sung... Như Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành đã 16 năm, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Chia sẻ về những nguyên nhân thiếu nguồn tạng để ghép, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay Việt Nam chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên trong vận động hiến tạng sau khi chết hoặc chết não; những người tư vấn hiện nay chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, thống nhất về chuyên môn cũng như những kỹ năng mềm và tư vấn về tâm lý.

Ngoài ra, chính các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu hiện chưa có cơ chế phối hợp với nhóm tư vấn viên; chưa có quy trình sàng lọc, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng chuẩn; chưa hình thành văn hóa hiến tạng tại bệnh viện. Các tư vấn viên hiện nay khó tiếp cận hồ sơ bệnh án người chết não tiềm năng, khó khăn trong việc tham vấn ý kiến bác sĩ, điều dưỡng.

Trong khi đó, các diễn biến của người bệnh rất nhanh và phức tạp, vì vậy nhiều trường hợp không đủ thời gian để thực hiện các bước theo quy định.

Bên cạnh đó, các tư vấn viên cũng chưa có quy trình chuẩn về tiếp cận gia đình người bệnh, thiếu kỹ năng giải đáp các thắc mắc, hiểu lầm của người nhà người bệnh...

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến;

Tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng...

Trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sẽ quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, tổ chức tôn giáo, các điều kiện nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các hội và sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng.

Từ đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn mô, bộ phận cơ thể người từ người hiến bị chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng chục nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng.

Tin liên quan
Tin khác