UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, đơn vị quản lý Nhà máy cồn Ethanol Quảng Nam tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục sự cố tràn dầu Fusel không để ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.
Sự việc tràn dầu tại nhà máy được các hộ dân tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân phát hiện và phản ánh. Không những vậy, theo các hộ dân này, nhà máy hoạt động thời gian qua đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về khói bụi, nguồn nước và không khí. “Sau sự cố tràn dầu Fusel, gây mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của nhân dân quanh khu vực này. Các hộ dân yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân đến nơi ở mới”.
Bã thải lộ thiên của Nhà máy cồn Ethanol Quảng Nam theo mưa ngấm xuống đất, phát mùi hôi ra môi trường xung quanh |
Trước tình trạng này, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm khẩn trương có phương án khắc phục sự cố tràn dầu Fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra bên ngoài, xử lý triệt để mùi hôi, không để phát tán thêm ra xung quanh, xử lý an toàn đối với 9.000m3 dịch tồn hiện nay. Khi thực hiện phải có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương và người dân khu vực xung quanh nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu doanh nghiệp phối hợp chính quyền và ngành chức năng địa phương rà soát khu vực dân cư bị ảnh hưởng nguồn nước, khẩn trương hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân.
Lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn đối với nhà máy sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động, nếu để xảy ra sự cố tương tự thì nhà máy tự nguyện đóng cửa, không hoạt động cho đến khi hoàn thành việc di dời dân đến nơi ở mới thì mới được phép hoạt động trở lại. Phương án này phải được báo cáo trước UBND huyện Đại Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam, sau đó báo cáo trước nhân dân.
Theo ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc: “Nhà máy cồn đang xin kế hoạch xử lý các tồn đọng nhưng phía huyện yêu cầu không để lại các hóa chất phòng nguy cơ gây ra sự cố. UBND huyện cũng thống nhất giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng vận động nhân dân. Hiện người dân đang có yêu cầu, một là nhà máy cồn tồn tại, hai là đưa dân đi nơi khác. Sau khi khắc phục xong sự cố, huyện mới tiếp tục rà soát để chọn phương án”.
Nhà máy cồn Ethanol Quảng Nam trước đây thuộc Công ty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư có tên thương mại là Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng. Giai đoạn 2012 – 2015, nhà máy cồn ethanol Đại Tân hầu như không vận hành dây chuyền sản xuất, hàng trăm tỷ đồng như đống sắt hoen gỉ bỏ hoang.
Công ty CP Đồng Xanh lâm vào nợ chất chồng, các đối tác khách hàng (chủ yếu cung cấp nguyên liệu sắn đầu vào cho nhà máy) lẫn người lao động dựng lều bạt trước cổng nhà máy để đòi nợ. Vì không có khả năng hoàn trả nên các đối tác khởi kiện công ty ra tòa. Theo phán quyết của TAND tỉnh Quảng Nam, tài sản nhà máy cồn ethanol Đại Tân phải bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ. Và Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã mua lại toàn bộ tài sản thi hành án.
Năm 2017, nhà máy chạy thử dây chuyền máy móc đã cải tiến và ký kết cung cấp sản phẩm nhiên liệu sinh học với các đối tác trong nước. Những ngày đầu năm 2018, công ty đã lên chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo thiết kế, công suất chế biến của nhà máy cồn ethanol Quảng Nam đạt mức tối đa 330 tấn cồn mỗi ngày. Sau khi vận hành, nhà máy đạt công suất 250 tấn/ngày do sản xuất trên dây chuyền cũ với phương châm hư đâu sửa đó.
Liên quan đến sự cố tràn dầu, chiều 29/9, Phóng viên Baodautu.vn đã liên hệ với ông Phạm Văn Tĩnh – Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm để được hỗ trợ thông tin về tiến độ xử lý sự cố tràn dầu theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhưng ông Tĩnh không trả lời.