Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội nghị |
Được coi là ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp thời trang Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình thực sự về cả chất và lượng trong hơn một thập niên qua.
Tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ Mỹ, EU và các nước khác, ngành dệt may và da giày đã thu hút được nhiều lao động, năng lực sản xuất tăng nhanh hàng năm. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu dệt may với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 24 tỷ USD. Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn còn có đơn vị nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ liệu chủ yếu là ngoại nhập. Trên thế giới, các thương hiệu thời trang Việt cũng chưa có tên tuổi.
Tại Hội nghị, các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tăng cường nhận diện ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, lựa chọn hướng đi cho các thương hiệu Việt, khẳng định vị thế thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các diễn giả cũng đã đánh giá xu hướng phát triển của thời trang thế giới và cách xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp này trong xu hướng hội nhập.
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Hội nghị lần này mang lại ý nghĩa to lớn về thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, đã giúp doanh nghiệp thủ đô thấy rõ lợi ích của công nghiệp thời trang. Đây là sẽ là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại của thành phố nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành công nghiệp thời trang thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung thời gian tới.