Vinalines sở hữu đội tàu công suất khá lớn. |
Tua lại lộ trình
Tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu Vinalines - một trong những doanh nghiệp lớn cuối cùng trong ngành giao thông - vận tải (GTVT), đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần này (ngày 10/2), đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa sẽ có buổi làm việc với Vinalines về một trong những nội dung quan trọng nhất là triển khai kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 449/TB –VPCP, ngày 30/12/2016.
Được biết, lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ, bao gồm các mốc thời gian chi tiết cho từng bước công việc, đã được ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines trình lên Bộ GTVT vào cuối tháng 1/2017.
Cụ thể, hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được Vinalines trình lên Bộ GTVT vào ngày 21/7/2017, để “ông lớn” vận tải biển này có thể nhận được quyết định phê duyệt sau đó 1 tháng. Đây là mốc thời gian rất quan trọng, bởi theo quy định, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ Vinalines sẽ phải diễn ra trong vòng 18 tháng, kể từ khi giá trị doanh nghiệp được công bố với thời gian dự kiến là ngày 29/12/2017. Đây đã là lần thứ hai, Vinalines tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ phục vụ cho cổ phần hóa.
Trước đó, vào tháng 12/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT, khi đó là ông Đinh La Thăng, đã ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm ngày 31/12/2013 với giá trị thực tế là 21.287,2 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.
Một cột mốc quan trọng nữa trong lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ, dự kiến kéo dài 1 năm, là phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chậm hơn ngày 30/11/2017. Muốn vậy, Vinalines phải trình bộ chủ quản phương án cổ phần hóa trước ngày cuối cùng của tháng 9/2017 để Bộ GTVT tiến hành thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 11/2017. Vinalines muốn có trong tay bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán và số lượng cổ phần bán chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/8/2017, nhằm chốt danh sách nhà đầu tư chiến lược không chậm hơn ngày 31/8/2017.
Do lựa chọn cổ đông chiến lược thường rất phức tạp, nên Vinalines có thể lựa chọn phương án đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 1/2018, sau khi hoàn tất IPO. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược có thể thực hiện sau thời gian này, như trường hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Đo thử sức hấp dẫn
Cần phải nói thêm rằng, có khá nhiều thay đổi quan trọng liên quan tới kế hoạch phát triển của Vinalines trong những năm tới, nếu chiểu theo Thông báo số 449/TB – VPCP.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT, với tư cách là bộ chủ quản, tiếp thu ý kiến các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ, để hoàn chỉnh lại phương án cổ phần hóa Vinalines, trong đó bao gồm việc nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines. Thời điểm xác định lại giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Vinalines được ấn định là ngày 31/12/2016.
Chỉ đạo này của Thủ tướng đã chấm dứt những cấn cá liên quan đến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines, hiện đã kéo dài 35 tháng (thay vì 18 tháng so với kế hoạch đề ra).
Được biết, theo Quyết định 37/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Công ty mẹ - Vinalines thuộc danh mục khi thực hiện cổ phần hóa nhà nước cần nắm giữ từ 75% vốn điều lệ trở lên. “Tỷ lệ nắm giữ này sẽ không làm giảm quá nhiều sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines, khi mời gọi các đối tác chiến lược trong và ngoài nước”, lãnh đạo Vinalines cho biết.
Bên cạnh đó, so với thời điểm năm 2014, kết quả kinh doanh của toàn tổng công ty, cũng như Công ty mẹ Vinalines, hiện tốt hơn rất nhiều với việc liên tục làm ăn có lãi trong 2 năm tài chính gần nhất. Năm 2015, đánh dấu bước khởi sắc khi Vinalines có lãi 66 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 329 tỷ đồng, chính thức thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu. Trong năm 2016, khối cảng biển thuộc hệ thống của Vinalines đã mang lại lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng, khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines). Hai khoản lợi nhuận này đã góp phần bù đắp khoản thua lỗ khủng từ khối vận tải biển, giúp Vinalines hòa vốn.
“Kết quả kinh doanh này sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.