Sức khỏe doanh nghiệp
Dò biến số cho các biến động tài chính của REE
Chí Tín - 11/03/2021 08:46
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) hoạt động trong khá nhiều ngành nghề khác nhau, vì thế, việc so sánh chỉ số tài chính của doanh nghiệp này phức tạp hơn nhiều so với doanh nghiệp đơn ngành.

Sự đan xen của các ngành nghề

Năm 2020, REE đã có một mùa kinh doanh ở mức khá, với doanh thu đạt 5.600 tỷ đồng, tăng khoảng 15,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.628 tỷ đồng, tuy giảm 0,65% so với năm 2019, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 0,46% so với kế hoạch năm.

Đặc điểm đáng chú ý nhất của REE là sự đan xen của nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau và biến động của từng ngành nghề đều có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh chung, cũng như cơ cấu tài chính của Công ty.

Lướt qua bức tranh kinh doanh chung của REE trong năm 2020, có thể thấy, hoạt động mảng M&E (cơ điện lạnh) dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong 9 tháng đầu năm và mưa bão trong 3 tháng cuối năm 2020, song vẫn tiếp tục có được nhiều hợp đồng ký mới và mở rộng hoạt động cung cấp, lắp đặt các dự án điện mặt trời. Doanh thu mảng cơ điện lạnh tăng trưởng 6,3% so với năm 2019, nhưng không đạt kế hoạch năm 2020.

Hoạt động của mảng điện trong năm qua bị ảnh hưởng bởi tình hình thủy văn không thuận lợi. Lĩnh vực điện tuy gặp khó ở mảng thủy điện, nhưng bù lại, được hỗ trợ nhiều từ điện năng lượng mặt trời mái nhà. Tính chung, mảng điện tăng trưởng hơn 49% so với năm 2019 và vượt gần 4% so với kế hoạch năm 2020.

Trong khi đó, với hoạt động mảng nước, các nhà máy nước đóng góp khá tốt vào kết quả kinh doanh năm 2020, sản lượng của các nhà máy xử lý nước tiếp tục tăng trưởng.

Mảng cho thuê văn phòng đạt tỷ lệ lấp lầy trên 95% tổng diện tích văn phòng, nhưng bức tranh chung của toàn bộ mảng bất động sản không hoàn toàn tích cực, khi doanh thu mảng bất động sản sụt giảm tới 52,8% so với năm 2019 và chỉ đạt 22,34% kế hoạch lợi nhuận năm.


Những biến động tài chính

Với một doanh nghiệp hoạt động đan xen trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khi các số liệu tài chính có sự biến động thì nhà đầu tư cũng sẽ rất khó phán đoán nguyên nhân dẫn đến biến động đó.

Với REE, biến động tài chính đáng chú ý nhất trong năm 2020 là sự tăng vọt của các khoản phải thu ngắn hạn. Số liệu các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm đầu năm chỉ là 2.138 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên tới 3.082 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 44%).

Trong cơ cấu cụ thể, khoản mục chủ yếu làm tăng các khoản phải thu ngắn hạn đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, với mức tăng từ 906,4 tỷ đồng (đầu năm) lên 1.340 tỷ đồng (cuối năm).

Cùng với sự tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn, rủi ro thu hồi nợ cũng tăng theo khá rõ, với các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng từ 60,2 tỷ đồng vào đầu năm lên 94,9 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 57,6%).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Ngọc Nam, chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, REE hoạt động trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ điện lạnh, bất động sản - cho thuê văn phòng và hạ tầng điện - nước. Trong đó, các mảng cơ điện lạnh phát sinh nhiều khoản phải thu ngắn hạn khách hàng do đặc thù kinh doanh riêng.

Giai đoạn 2014 - 2019, doanh thu mảng cơ điện lạnh có tăng trưởng gộp 17,3%/năm, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 6,5%/năm. Trong năm 2020, mảng cơ điện tiếp tục tăng trưởng 9,5%, nhưng phải thu ngắn hạn khách hàng tăng tới 48%. Đây là tín hiệu cho thấy, Công ty đang gặp khó khăn về quản lý công nợ, có thể một phần do ảnh hưởng của Covid-19.

“Tuy nhiên, tỷ lệ phải thu khách hàng ngắn hạn/doanh thu cơ điện và tỷ lệ nợ xấu/tổng phải thu ngắn hạn chỉ ở mức 38,6% và 7,1%, thấp hơn bình quân 5 năm là 38,9% và 7,8%, nên rủi ro các khoản phải thu là chưa lớn ở thời điểm hiện tại”, ông Nam nhận định.

Nhìn một cách bao quát, biến động tăng lên của các khoản phải thu đối với một doanh nghiệp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân bị động và chủ động.

Về nguyên nhân khách quan, lưu lượng hàng hóa và dịch vụ bán ra tăng lên cũng làm cho giá trị các khoản phải thu khách hàng tăng lên tương ứng. Đối với trường hợp của REE, doanh thu năm 2020 tăng trưởng 15,5%, nên việc khoản phải thu cao hơn cũng là dễ hiểu. Tuy vậy, tốc độ tăng của các khoản phải thu ngắn hạn hàng khách hàng (tới 48%) và phải thu khó đòi (tăng 57,6%) là cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Đây là một tín hiệu cảnh báo về rủi ro thu nợ của doanh nghiệp này.

Ở góc độ chủ quan, việc gia tăng phải thu cũng có thể đến cả từ yếu tố bị động và chủ động. Nguyên nhân bị động là doanh nghiệp có thể lơi lỏng hoạt động thu nợ, dẫn đến các khoản phải thu tăng theo. Trong một số trường hợp, có doanh nghiệp chủ động áp dụng chính sách bán hàng trả chậm để tăng sức cạnh tranh.

Khi đánh giá chất lượng thu nợ của doanh nghiệp, tiêu chí quan trọng được giới phân tích quan tâm là vòng quay các khoản phải thu hoặc số ngày thu tiền bình quân. Theo tính toán của ông Lê Thanh Hòa, chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), số ngày phải thu của REE tăng nhẹ từ mức 113 ngày năm 2019 lên 124 ngày trong năm 2020.

Ông Hòa cho rằng, số ngày phải thu của REE tuy có tăng so với năm trước đó, nhưng vẫn ở mức tương tự của các doanh nghiệp phát điện và thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp xây dựng. Số ngày phải thu của REE gia tăng nhẹ, nên nhiều khả năng, đây chỉ là do tác động từ một số dự án bất động sản mà REE tham gia bị đình trệ, chứ không phải do REE có sự thay đổi chính sách bán hàng nào đó. Tình hình các dự án bất động sản có thể khởi sắc hơn trong năm 2021 và điều này có thể giúp số ngày phải thu giảm nhẹ trở lại. Trường hợp các dự án bất động sản mà REE có tham gia chưa thể quay lại triển khai bình thường, thì nhiều khả năng, số ngày phải thu của REE cũng sẽ không tăng trong năm 2021.

Còn nếu so sánh về số vòng quay các khoản phải thu, doanh nghiệp có vòng quay các khoản phải thu càng cao cho thấy doanh nghiệp có hoạt động thu nợ càng hiệu quả. Theo tiêu chí này, vòng quay các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2020 của REE là 2,16 vòng.

Có thể so sánh với một số doanh nghiệp cụ thể trong cùng năm 2020. Một doanh nghiệp ngành xây dựng bất động sản như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh có tỷ lệ phải thu ngắn hạn của khách hàng bình quân (trung bình đầu kỳ - cuối kỳ) là 8.218 tỷ đồng, vòng quay các khoản phải thu ngắn hạn chậm hơn REE khá nhiều, với khoảng 0,35 vòng. Công ty Thủy điện Cần Đơn có chỉ số vòng quay các khoản phải thu năm 2020 là 0,58 vòng, cũng chậm hơn rất nhiều so với REE. Tuy nhiên, một doanh nghiệp ngành thiết bị điện là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) lại có vòng quay các khoản phải thu vượt trội so với REE, với 3,7 vòng.

Một số định hướng kinh doanh của REE trong năm 2021

Tiếp tục tập trung đầu tư các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời;

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí, vốn đầu tư, quản lý rủi ro…

Khởi công xây dựng Dự án tòa nhà văn phòng E.town 6;

Bắt đầu áp dụng hệ thống KPI - hệ thống quản lý hiệu quả công việc đến từng phòng/ban, từng người lao động trong toàn nhóm;

Trẻ hóa đội ngũ nhân viên.

Tin liên quan
Tin khác