Đầu tư
“Đỏ mắt” chờ dự án điện khởi công
Thanh Hương - 10/11/2022 08:26
Dù nhu cầu tiêu thụ điện hiện ở mức thấp, nhưng việc thiếu vắng các dự án điện mới được xây dựng sẽ gây hẫng hụt trong đảm bảo điện trong vài năm tới.
Công trường Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4. Ảnh: T.H

Dự án dò từng bước

Ngày 2/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổ phần Điện khí LNG Quảng Ninh (gọi tắt là QN LNG Power).

QN LNG Power có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty cổ phần COLAVI, Marubeni Corporation và Công ty TNHH Tokyo Gas hợp tác đầu tư.

Trước đó, ngày 9/9/2022, Hội đồng Quản trị PV Power đã có nghị quyết thông qua nội dung góp 30% vốn điều lệ để đầu tư dự án trên.

Tổ hợp nhà đầu tư đang rất tập trung, quyết liệt trong việc triển khai các bước của Dự án. Nhiệm vụ trước mắt được đặt ra là tập trung nghiên cứu, đánh giá, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phương án đấu nối Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh với hệ thống điện quốc gia. Như vậy, việc thành lập QN LNG Power được coi là bước đi lớn, góp phần đưa dự án đi đúng tiến độ đã đề ra.

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chấp thuận đầu tư vào ngày 24/10/2021, với công suất lên tới 1.500 MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.

Trước đó, vào ngày 11/10/2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành và liên danh nhà đầu tư về tiến độ triển khai Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh. Theo đó, sau gần một năm khởi công xây dựng, Dự án đang có dấu hiệu bị chậm tiến độ khi mới hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chưa thành lập pháp nhân để triển khai dự án, chưa hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi...

Nguyên nhân đưa ra do liên danh nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện, thủ tục bổ sung bến cảng chuyên dùng LNG vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1).

Trước nguy cơ dự án bị chậm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời, yêu cầu UBND TP. Cẩm Phả bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ngay trong tháng 11/2022.

Theo kế hoạch đặt ra trước đây, Dự án sẽ triển khai đầu tư từ quý II/2022 và tới quý II/2027 sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác trong quý III/2027.

Dẫu vậy, ở thời điểm tháng 11/2022, vẫn chưa chắc chắn khi nào dự án này sẽ triển khai xây dựng. Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nhà phát triển dự án vẫn chưa được khởi động.

Trong khi đó, theo khoản 1, Điều 17, Thông tư 57/2020/BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự đàm phán hợp đồng mua bán điện, thì với nhà máy điện mới, hợp đồng mua bán điện phải được các bên ký kết trước ngày khởi công công trình.

Bên cạnh đó, nếu theo dõi một số dự án điện khí khác đi trước mà vẫn bế tắc như Dự án LNG Bạc Liêu, có thể thấy, đường còn xa ngái.

Đỏ mắt đàm phán

Quay trở lại với Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, nhiều điểm nghẽn trong quá trình đàm phán vẫn chưa được tháo gỡ, dù các kiến nghị đã được gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ từ hơn một năm trước.

“Dù chủ đầu tư và tỉnh nói còn khoảng 5% công việc bị tồn đọng, nhưng hơn một năm qua vẫn không thể khơi thông được và chưa biết lúc nào mới hết nghẽn”, ông Nguyễn Bình, chuyên gia năng lượng nhận xét.

Được biết, Dự án LNG Bạc Liêu đầu tư theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP), nhưng có yêu cầu một số vấn đề gần giống các dự án BOT điện đã đi vào vận hành. Tuy nhiên, điều này lại không thuộc thẩm quyền của EVN - bên đàm phán mua điện trong PPA.

Dù đã báo cáo lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng do không có các hướng dẫn cụ thể, nên quá trình đàm phán đang dừng lại và chưa có lối thoát.

Tại Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3-4, các công tác liên quan đến đàm phán PPA cũng gặp khó khăn khi việc bao tiêu điện chưa rõ ràng.

Được biết, theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Thông tư 24/2019/TT-BCT, đơn vị phát điện và mua điện có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất và quy định trong Hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng trong khung quy định từ 60 đến 100% hoặc theo sản lượng hợp đồng năm hoặc từng năm trong chu kỳ nhiều năm.

Bởi vậy, hồi tháng 6/2022, Bộ Công thương cũng cho rằng, đây là việc của EVN và nhà phát triển dự án tự đàm phán với nhau.

Tuy nhiên, thực tế tiêu thụ điện thương phẩm trong vài năm trở lại đây ở mức thấp. Năm 2022, ngành điện rất kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng khoảng 10% như trước dịch bệnh, nhưng thực tế vẫn chỉ lẹt đẹt ở mức 5-6%. Do đó, việc dự đoán về nhu cầu tiêu thụ điện trong 5-7 năm tới trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh như hiện nay để đi tới cam kết mua điện ở mức tốt cho bên phát triển dự án ở thời điểm này là khó khăn với EVN. Đặc biệt, EVN cũng chỉ là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động với “vòng kim cô” không được để thua lỗ, thất thoát tiền nhà nước.

Thực tế này cũng khiến quá trình đàm phán mua bán điện nói chung sẽ còn nhiều thách thức lớn.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 10,7%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 7,7%; riêng năm 2020 chỉ tăng 3,4% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2021, điện thương phẩm tăng 3,85% so với năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác