1.
Chỉ mới cách đây ít ngày, Toong chính thức thông báo việc đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên có giá trị 1 triệu USD từ một tập đoàn có kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, bán lẻ và dịch vụ.
Thông tin về nhà đầu tư chưa được tiết lộ, nhưng gặp chúng tôi, Dương bảo, ngay sau khi “họ” thu xếp xong một số vấn đề với các dự án khác, thì danh tính nhà đầu tư này sẽ được công bố. Nhưng điều quan trọng là, khi Toong thông báo ra bên ngoài về việc nhận đầu tư trên, thì “tiền đã về tài khoản”.
“Khoản đầu tư này sẽ dành để đầu tư không gian Toong tại TP.HCM trong thời gian tới”, Dương không giấu giếm kế hoạch của mình và bảo rằng, mong muốn là năm nay sẽ mở tới hai địa điểm ở TP.HCM, nhưng trước mắt, chắc chân nhất sẽ là một. Nhiều khả năng, mùa hè này, Toong TP.HCM sẽ đi vào hoạt động.
Doanh nhân Đỗ Sơn Dương |
Nếu thế, Toong sẽ có 3 co-working space tại Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Tháng 9 năm ngoái, khi Đỗ Sơn Dương cùng các đồng sự của mình ra mắt Toong ở số 8 - Tràng Thi (Hà Nội), với quy mô 750 m2, nhiều người bất ngờ. Quả thực, họ không hiểu thế nào là co-working space. Mô hình ấy dù phát triển khá mạnh trên thế giới, nhưng lại quá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Tất nhiên, ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam có thói quen “đóng đô” ở các quán cafe để làm việc, nhưng co-working space là câu chuyện khác hẳn.
“Đó là nơi mà mọi người có thể xách laptop lên và đến”, Dương nói ngắn gọn và bảo, nếu ai đó cần không gian cảm hứng để làm việc thì hãy đến với Toong. Tất cả đã sẵn sàng, từ bàn ghế, các tiện ích thiết yếu để làm việc, kể cả cafe, đồ uống... Nhưng khác với sự gò bó ở văn phòng, không gian làm việc ở Toong hoàn toàn thoải mái và chuyên nghiệp. Trong khi quán cafe không hẳn là nơi làm việc lý tưởng, thì đến với Toong, chỉ cần mở cửa ra, bất kể lúc nào cũng có thể gặp được những nhân vật hay ho cho những cơ hội hợp tác hấp dẫn.
Đó là sự khác biệt lớn nhất, là “phần hồn” của Toong - sự kết nối, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng những thành viên của Toong. Ban đầu, nhiều người nói, Toong sẽ là nơi chốn đi về cho những start-up Việt, nhưng Đỗ Sơn Dương không tự bó hẹp đối tượng khách hàng của mình như thế. Đơn giản, Toong là nơi để những người trẻ luôn căng tràn năng lượng, sức sáng tạo, tìm kiếm những điều mới mẻ... tụ hội và kết nối, chia sẻ với nhau.
“Toong chính là ‘Tổ ong’ - một cái tên Việt nhưng được nhìn dưới góc nhìn của một người trẻ sáng tạo. Đó chính là không gian làm việc chung của những người chuyên nghiệp và sáng tạo”, Dương lý giải về cái tên Toong, mà nếu hình dung, thì sẽ như một tiếng chuông vừa được gõ lên, với âm thanh lan tỏa.
2.
Thực ra, khoản đầu tư 1 triệu USD mà Toong mới nhận được không phải là khoản đầu tư đầu tiên. Đó cũng không phải là nhà đầu tư đầu tiên tìm đến với Toong.
Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, lúc Toong ở số 8 Tràng Thi ra mắt, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư tiếp theo, cũng như mong muốn kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư giống như các start-up vẫn thường làm, Đỗ Sơn Dương nói rằng, đã có một số quỹ đầu tư và nhà đầu tư tư nhân quan tâm và muốn đầu tư vào Toong; rằng trước khi nhận cơ hội đầu tư, phải vận hành Toong trong một thời gian nhất định để tìm ra mô hình hoạt động và các phương pháp để hợp tác với các đơn vị khác, không ít người nghi ngờ cho rằng Dương nói xạo. Nhưng thực tế đúng là vậy.
Chỉ 1 tháng sau khi Toong Tràng Thi ra mắt, “nhà đầu tư thiên thần” đã đầu tư vào Toong 300.000 USD. Khoản tiền này đủ để Toong chuẩn bị cho co-working space thứ hai ở Tô Ngọc Vân, cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2016, với diện tích trên 1.000 m2.
Nhà đầu tư mới cũng thế. Chỉ sau 2 tháng đàm phán, đã quyết định bỏ tới 1 triệu USD. Không ai tìm đến ai, mà là những người có cùng “giấc mơ Tổ ong” đã tìm đến với nhau. “Họ cũng đã từng nghĩ đến một mô hình như Toong, thậm chí cũng đã nghĩ đến những chiếc tổ ong, nhưng lại chưa thể gọi được tên nó ra. Khi đến Toong, họ nhận ra đó là những gì mà họ đã tìm kiếm bấy nay nên quyết định đầu tư rất nhanh”, Dương chia sẻ.
Phải nói là có rất nhiều chữ “duyên” trong câu chuyện thành công ban đầu, cứ tạm cho là thế, của Toong và Đỗ Sơn Dương. Dương kể, ý tưởng đầu tư một co-working space đến rất nhanh, cũng xuất phát ban đầu từ mong muốn của cá nhân mình về một không gian làm việc linh động và thoải mái. Chỉ có một đồng sáng lập khác của Dương là ra nước ngoài tìm hiểu về mô hình này, còn Dương chỉ nghiên cứu qua Internet. Một mô hình còn quá mới, nhưng rồi trực giác - có được sau nhiều năm tháng kinh nghiệm làm việc ở Richard Moore - mách bảo, khiến Dương hiểu rằng, cơ hội thành công là rất lớn
Trực giác lớn đến nỗi, bỏ qua cả việc điều tra thị trường, cả nhóm quyết tâm làm. Chỉ trong vòng 3 tháng, tập trung tìm mặt bằng kinh doanh, lo thiết kế nội thất và thực hiện. Có duyên và những dự cảm về sự thành công là chuẩn xác, thế nên, từ một Toong ban đầu, chuỗi mô hình co-working đang bắt đầu được hình thành.
Giá “chỗ ngồi” làm việc ở Toong không hề rẻ (khoảng 90.000 đồng/giờ, 190.000 đồng/ngày). Nếu tính theo tháng, mức phí là 2,999 triệu đồng đối với chỗ ngồi linh hoạt và 3,999 triệu đồng với chỗ ngồi đặt riêng. Trong khi đó, chỗ ngồi cao cấp tính phí theo tháng là 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có dịch vụ văn phòng ảo dành cho công ty với mức phí 2,5 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, 350 chỗ làm việc cố định đã được “thuê”. Trung bình, 60-70 lượt người tới Toong để làm việc và kết nối hàng ngày.
“Mọi thứ tốt đẹp hơn dự tính rất nhiều”, Dương cười. Tốt vì Toong nhận được nhiều sự hưởng ứng, động viên của mọi người hơn tưởng tượng. Rất nhiều start-up nổi tiếng cũng đánh giá cao mô hình này. Nhưng cũng vì tốt quá, nhu cầu thuê chỗ ngồi cố định cao hơn dự tính nên phải thiết kế lại không gian, mở thêm phòng riêng. Decor cũ bị phá vỡ cũng có chút nuối tiếc. Nhưng quan trọng hơn cả là nó làm tăng chi phí đầu tư. Theo dự trù ban đầu, cả nhóm hùn vào nhau được 5 tỷ đồng để đầu tư...
Âu đó cũng là tín hiệu đầu tiên cho sự thành công cho Toong. Nhiều người biết tiếng, nên rất nhiều cuộc thảo luận nhóm được tổ chức tại đây. Cả Phó chủ tịch lẫn CEO lừng danh của Tập đoàn Google cũng đã có những buổi chia sẻ với cộng đồng start-up Việt tại Toong.
Hỏi về chuyện “hậu trường” làm sao để lôi kéo CEO của Google tới Toong, Dương vẫn chỉ cười và bảo mọi chuyện rất ngẫu nhiên. Khi Phó chủ tịch Google đến Việt Nam, họ chọn hai co-working tâm điểm ở Việt Nam là Toong ở Hà Nội và Dreamplex trong TP.HCM. Sau này, khi CEO Google Sundar Pichai sang Việt Nam, một lần nữa Toong được lựa chọn.
Mà lạ là, ban đầu Google dự tính quy mô của chương trình lên tới mấy trăm người, song khi nghe nói quy mô của Toong không đáp ứng đủ chỗ ngồi, họ vẫn quyết định tổ chức ở Toong và giảm số lượng khách mời xuống còn một nửa. Đủ thấy Toong gây ấn tượng thế nào với Google. Cũng từ đó, danh tiếng của Toong thêm nổi.
3.
Đỗ Sơn Dương năm nay mới 33 tuổi. Nếu có search thông tin trên mạng, sẽ dễ dàng biết Dương từng làm giám đốc kinh doanh của Richard Moore tại Việt Nam. Hẳn nhiên đó là vị trí mang lại cho Dương mức lương “khủng”, vậy nhưng cuối cùng, Dương đã quyết định dời bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước ấy để khởi nghiệp với Toong.
Mà hình như Dương chưa ở chỗ làm việc nào quá lâu. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Đại học Fontys (Hà Lan) về, chàng trai đất cảng Hải Phòng quyết định đầu quân cho hãng phim Galaxy với vị trí trưởng phòng marketing. 3 năm ở đấy, đang thành công và trở thành một gương mặt sáng giá trong truyền thông cho điện ảnh Việt Nam và thế giới, Dương quyết định đầu quân cho Richard Moore. Năng lượng sống tràn trề và sức sáng tạo không cho phép Dương hài lòng với những gì mà mình làm được. Dương quyết định khởi nghiệp, cùng với nhóm đồng sáng lập của mình.
Thực ra, trong danh sách các đơn vị mà Dương từng trải qua, còn có Apollo, LanguageLink... Qua mỗi vị trí là một lần Dương học hỏi thêm kinh nghiệm để nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân, và cũng là kinh nghiệm để sau này tại Toong, Dương có thể kết nối và chia sẻ với các thành viên của mình, khiến họ thích thú và tìm đến Toong nhiều hơn.
Biết tính Dương đã quyết là làm nên lúc dời bỏ Richard Moore, không ai trong gia đình ngăn cản cả. “Tính tôi là vậy, càng thách thức càng muốn làm. Tôi luôn muốn tìm đến những cái mới, đơn giản thì không muốn làm. Và thực sự là nếu đơn giản thì đã không đến lượt mình”, Dương cười.
Lúc Dương đầu quân cho Galaxy, bạn bè nhiều người cũng cho Dương gàn dở, vì học ở nước ngoài về mà lại đâm đầu vào lĩnh vực mới như thế, nhưng với Dương - mới chính là thách thức. Lúc sang Richard Moore cũng tuyên bố với lãnh đạo Galaxy rằng, ra đi bởi ở đó không còn thách thức nữa. Khi ấy, Richard Moore là một thách thức mới, cũng giống như bây giờ, Toong đang là một thách thức, một niềm đam mê mới.
“Cũng không loại trừ” - Dương cười vang khi trả lời câu hỏi “liệu có chuyện vài năm nữa, Toong cũng không còn là thách thức, Dương có bán đi để tìm kiếm một cái mới hơn?”. Nhưng đấy là chuyện sau này, còn hiện tại, Dương vẫn đang đam mê với mục tiêu mở được một chuỗi các co-working space chuyên nghiệp tại Việt Nam. “Chúng tôi đang muốn biến đổi mô hình này thành những thú vị hơn và khai thác hết giá trị của chuỗi các co-working sapace mang lại”, Dương nhiệt thành.
Lúc chia tay, Dương nói với chúng tôi rằng, cậu đã rất say sưa với mô hình co-working space We Work nổi tiếng toàn cầu, nên cũng tham vọng một ngày nào đó, Toong được như We Work, ít nhất là We Work của Việt Nam”. Nghe nói, còn đang có nhiều nhà đầu tư khác mong muốn được đầu tư vào Toong.