Bộ máy già, tham vọng vẫn lớn
Bộ máy quản trị và điều hành của Rạng Đông có thể nói là có tuổi đời già nhất sàn chứng khoán. Theo danh sách thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022, người trẻ nhất là ông Trần Trung Tưởng, sinh năm 1962, nay đã 55 tuổi. Trong khi đó, 2 thành viên cốt cán nhất trong Hội đồng Quản trị là bà Ngô Ngọc Thanh (Chủ tịch) năm nay đã 64 tuổi, còn ông Nguyễn Đoàn Thăng (Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc) thì đã 74 tuổi.
Đội ngũ lãnh đạo tuổi cao là vậy, nhưng Rạng Đông không vì thế mà tỏ ra chậm chạp, mà những tham vọng công ty này đặt ra cho kế hoạch 2017 nói riêng và các năm tiếp theo không khỏi khiến nhiều doanh nghiệp khác… choáng váng.
Quý I/2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/tháng, tăng 11,1% so với cùng kỳ |
Theo đó, năm 2017, công ty này dự định chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 50% vốn điều lệ. Để hiện thực hóa mức cổ tức này, Rạng Đông dự kiến sẽ đạt tổng doanh thu năm 2017 là 3.056 tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện trước thuế là 170 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu tiên của năm 2017, Công ty đạt tổng doanh thu tiêu thụ là 879 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế 60,9 tỷ đồng, tăng 63,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/tháng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, tham vọng của “tướng già” Rạng Đông vẫn chưa dừng lại ở con số doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng như kế hoạch năm 2017, mà công ty này còn muốn cán mốc doanh thu lên tới 4.380 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nâng lên 35%, trong đó năm 2019 phải xuất khẩu vào được các nước G7. Tỷ trọng doanh thu sản phẩm công nghệ cao LED và điện tử sẽ tăng từ 30% hiện nay lên 56% vào năm 2020.
Đo sức khỏe tướng già
Tham vọng lớn là vậy, nhưng điều giới đầu tư quan tâm hiện nay là sức khỏe hiện tại của tướng già Rạng Đông đang ở tình trạng ra sao, liệu có đủ độ dẻo dai để đua sức trên chặng đường cam go phía trước hay không.
Nói về định hướng của Rạng Đông trong bối cảnh cạnh tranh sắp tới, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cho biết, nền kinh tế đang sôi động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và lợi thế lao động giá rẻ đã qua rồi. Vì vậy, Rạng Đông phải tiến hành đầu tư tự động hóa một số khâu trên dây chuyền hiện tại.
Trong kế hoạch đầu tư 5 năm tới, Rạng Đông dự kiến chi đầu tư lên tới 520 tỷ đồng, riêng tổng mức đầu tư trong năm 2017 là 100 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017, Công ty sẽ đầu tư 40 tỷ đồng cho lò thủy tinh phích, 20 tỷ đồng đầu tư cho tự động hóa nâng cấp dây chuyền sản xuất đèn CFL và phích nước để nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành. Ngoài ra, Công ty sẽ dành 30 tỷ đồng đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động các sản phẩm LED, nâng cao năng lực để sản xuất LED lên 20 triệu sản phẩm/năm; đầu tư 10 tỷ đồng nâng cấp phòng thí nghiệm và hệ thống quản trị.
Về sức khỏe tài chính của Rạng Đông, các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2016 là 302 tỷ đồng, tăng 98 tỷ đồng so với 2015, nguyên nhân tăng này chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (chiếm 77%). Tuy phải thu tăng, nhưng theo đánh giá của ông Quách Thành Chương, Trưởng ban Kiểm soát Công ty, số vòng quay các khoản phải thu giảm nhẹ từ 12,8 lần đầu năm, xuống 11,6 lần vào cuối năm cho thấy, tuy gia tăng lượng hàng bán ra, nhưng Công ty vẫn kiểm soát được các khoản nợ của khách theo đúng tiến độ.
Tuy vậy, sang năm 2017, công tác thu nợ của Rạng Đông cũng bắt đầu bộc lộ một số biểu hiện chậm chạp. Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I/2017, khoản mục tăng/giảm các khoản phải thu bị âm khá lớn (-110 tỷ đồng), tiếp tục thâm hụt mạnh so với cùng kỳ 2016 (-62 tỷ đồng). Điều này cho thấy, việc duy trì được sức dẻo dai trên đường chạy dài đang là thách thức không nhỏ với “tướng già” Rạng Đông.