Đầu tư
Đổ tiền tỷ vào nông nghiệp công nghệ cao: Thị trường là yêu cầu số một
Thùy Liên - 07/04/2017 07:44
Ngày càng nhiều dự án trăm, ngàn tỷ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, điều doanh nghiệp phải tính toán đầu tiên khi rót vốn vào lĩnh vực này không phải là vốn rẻ hay cơ chế ưu đãi đặc biệt, mà là thị trường tiêu thụ.
TIN LIÊN QUAN

Rầm rộ đổ vốn

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - nữ hoàng trứng của Việt Nam - cho biết, ngày 15/4 tới đây, Ba Huân sẽ khánh thành Nhà máy Xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân miền Bắc có tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, với thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% của Hãng Moba (Hà Lan), hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm. Đây cũng là lần đầu tiên Ba Huân “đổ bộ” ra thị trường miền Bắc.

Cũng trong tháng 4 này, mẻ trứng gà tươi sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ sẽ được tung ra thị trường. Trước đó, Công ty đã đầu tư 800 tỷ đồng xây dựng nhà máy trứng gà sạch với toàn bộ dây chuyền, thiết bị và công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản, Mỹ, Israel.

.

Đây chỉ là hai trong số nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao “đổ bộ” vào các tỉnh miền Bắc đầu năm nay. Trước đó, hàng loạt dự án khác cũng đã được khởi công ở miền Bắc như Dự án Rau sạch 3.000 tỷ đồng của Tập đoàn TH (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Dự án Rau công nghệ cao của VinEco, Dự án Rau quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Công ty con của PAN Group)…

Đón đầu làn sóng đầu tư của doanh nghiệp, các địa phương cũng đang chạy đua tạo quỹ đất sạch, mở cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Hà Nam, Thái Bình, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang…

Tại khu vực Tây Nguyên, ngoài Đà Lạt - thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, Kon Tum cũng đang trở thành địa chỉ mới thu hút nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đình đám. Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án nông nghiệp hiện đại của Vingroup, Vinamilk, Dự án Chăn nuôi dê sữa (Công ty cổ phần Thực phẩm và Dược liệu Măng Đen), Dự án Nông trại hữu cơ (Hàn Quốc), Dự án Chăn nuôi bò sữa (Tập đoàn Vinamilk), Dự án Rau hoa xứ lạnh (Công ty TNHH Kon Tum BELLEST)…

Không chỉ doanh nghiệp, địa phương, mà các ngân hàng cũng chớp thời cơ đẩy vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 4/2017, số vốn đăng ký tham gia gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng đã vượt con số 100.000 tỷ đồng.

Thị trường là yêu cầu số một

Hai vấn đề được nhắc tới nhiều nhất gần đây khi nói đến đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là cởi bỏ hạn điền và vốn. Trong đó, vấn đề đất đai đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tháo gỡ. Nhiều địa phương cũng đã đàm phán với nông dân, tạo quỹ đất sạch rộng hàng chục héc-ta cho doanh nghiệp đầu tư. Hầu hết những dự án lớn đều được các địa phương trải sẵn đất sạch chào mời.

Riêng về vốn, ngay trong tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có văn bản hướng dẫn cho vay lãi suất ưu đãi gói tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng mà các ngân hàng đã đăng ký tham gia. Song theo cảnh báo của các doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, vốn chưa phải là bài toán khó nhất.

Cả ba trục phải làm tốt trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

doanh nghiệp phải tổ chức ngành hàng và tổ chức quản trị thật tốt, làm ra sản phẩm chất lượng, giá hợp lý, nỗ lực mở cửa thị trường. Người dân khi liên doanh, liên kết với hợp tác xã, với doanh nghiệp phải làm đúng cam kết, làm đúng quy trình. Nhà nước phải có trách nhiệm mở cửa thị trường, có chính sách tốt khuyến khích doanh nghiệp. Nếu cả ba trục đều làm tốt thì không lo không có thị trường. Thị trường quan trọng, nhưng quan trọng hơn là mỗi người phải xác định được trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP LienVietPostBank - một trong những ngân hàng tiên phong rót vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao - chỉ ra một thực tế, rất nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam rơi vào cảnh thua lỗ vì đồng thau lẫn lộn, người dân không phân biệt được (hoặc không tin tưởng) đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) cho hay, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chỉ thành công nếu có thị trường, có công nghệ phù hợp và có nhân sự để vận hành công nghệ đó. Ngay cả PAN Group - một doanh nghiệp đã nghiên cứu, tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao từ 5 năm trước, đến nay cũng mới chỉ dám triển khai ở quy mô nhỏ và từng bước mở rộng quy mô tuỳ thuộc vào thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực.

“Cơ sở nền tảng để quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải là nhu cầu của thị trường và chỉ những nông sản có giá trị cao mới có thể ứng dụng trọn gói công nghệ cao vào sản xuất, vì chi phí sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều. Chúng tôi mới chỉ đưa vào sản xuất hoa cúc và hoa cẩm chướng bằng công nghệ cao để xuất sang Nhật Bản, vì thị trường này chấp nhận giá sản phẩm cao hơn rất nhiều lần giá sản phẩm tiêu thụ ở Việt Nam”, ông Hưng cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao phải có đủ ba yếu tố: thị trường, công nghệ và quan trọng nhất là có doanh nghiệp thực thi. “Vốn là điều kiện quan trọng, song không có ý nghĩa quyết định với các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Nếu có vốn mà không định hình được sản phẩm, không định hướng được thị trường thì nguy cơ thất bại là rất lớn”, TS. Bộ khẳng định.n

Tin liên quan
Tin khác