Tiếp tục chuyến khảo sát của Đoàn doanh nghiệp Mỹ, chiều qua 28/7, tại TP. Cà Mau, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau với đoàn doanh nghiệp Mỹ.
Tham dự sự kiện có các nhà khoa học, nhà mua hàng quốc tế, các chuyên gia, các quốc gia có sản xuất tôm lớn trên thế giới, các doanh nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các đối tác quan trọng tham gia chuỗi ngành hàng tôm đến từ 17 nước trên thế giới tham dự hội nghị.
Đoàn do Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS) và nhà mua của Shrimp Summit 2023 (Hoa Kỳ) dẫn đầu, trước đó đoàn tham quan thực tế tại vùng ươm giống, nuôi trồng, chế biến thủy sản (tôm) và trải nghiệm làm du lịch vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh giao lưu với Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hội nghị ngành tôm Cà Mau |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: Mặc dù ngành tôm Cà Mau đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình giá tôm đang sụt giảm như hiện nay, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn tự tin với tiềm năng và thế mạnh về tôm nuôi và chế biến, xuất khẩu tôm. Nhiều vùng nuôi tôm của tỉnh đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, trong đó nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là nghề nuôi tôm bền vững đang được khuyến khích nhân rộng.
"Các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong tỉnh đều trang bị công nghệ hiện đại phục vụ cho xuất khẩu, hiện tôm Cà Mau đã có mặt nhiều nước trên thế giới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi kêu gọi tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, vì sự phát triển bền vững ngành tôm nên tìm kiếm sự hợp tác liên kết để cùng phát triển", ông Sử chia sẻ.
Đồng tình với những nỗ lực của lãnh đạo, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nuôi trông tôm xuất khẩu trong phát triển ngành hàng tôm Cà Mau, ông George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) đánh giá cao công tác đón tiếp chu đáo của tỉnh Cà Mau đối với đoàn khảo sát.
Trong thời gian ở Cà Mau, đoàn đã đi khảo sát quy trình sản xuất giống, nuôi tôm và chế biến, qua đó cho thấy, tỉnh Cà Mau đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất nghiêm ngặt. Ông George Chamberlain đánh giá cao mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, vì đây là mô hình con tôm có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại giá trị bền vững cho người nuôi. Bên cạnh đó, thành viên đoàn là các nhà mua, đánh giá cao mặt hàng tôm tại Cà Mau. Mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác và đưa hình ảnh con tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng sở tại.
Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng Cà Mau cho hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững |
Hiện tôm Cà Mau đã có mặt trên 60 thị trường nước ngoài và tự tin vươn đến những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, nhằm tăng chuỗi giá trị xuất khẩu và phát triển thương hiệu ngành hàng tôm Cà Mau. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản chiếm 82%, riêng mặt hàng tôm chiếm 72% (gần 1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 23,3% cả nước).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử hy vọng, thông qua chuyến tham quan, khảo sát và thảo luận tại hội nghị này, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ hiểu rõ hơn quy trình sản xuất sản phẩm tôm của Cà Mau hiện nay và định hướng trong tương lai, từ đó sẽ có những quyết định quan trọng trong hợp tác sản xuất, kinh doanh của mình.
"Chúng tôi cũng mong muốn quý đại biểu sẽ là cầu nối, giới thiệu vùng đất, con người, doanh nghiệp, sản phẩm của chúng tôi đến với bạn bè, người thân và đối tác trong thời gian tới. Sau hội nghị, các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và các nhà mua của các nước có thời gian thảo luận riêng để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa ngành tôm Cà Mau phát triển hơn trong thời gian tới", ông Lê Văn Sử kỳ vọng.