Cách đây không lâu, Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata đã được Chính phủ Việt Nam cho phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW tại Sóc Trăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 có vốn đầu tư lên tới 2,1 tỷ USD và với dự án này, Ấn Độ sẽ lọt Top 10 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhà đầu tư đang tích cực triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án.
Ngoài dự án này, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang quan tâm đến các dự án khác trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. “Dự án sử dụng năng lượng mặt trời là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm. Chúng tôi đang khảo sát và thảo luận với một số địa phương tại Việt Nam về việc triển khai các dự án nêu trên”, bà Smita Pant thông tin.
Các nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm đến lĩnh vực dệt may. |
Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, nhằm đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các nhà đầu tư Ấn Độ hiện đang quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dệt may, da giày…
Để mở đường cho các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam, mới đây, Ngân hàng Bank of India (BOI) đã khai trương chi nhánh tại TP.HCM. Ông Shri Melwyn Rego, Tổng giám đốc điều hành của BOI cho biết, đây cũng là chi nhánh ngân hàng đầu tiên của Ấn Độ có mặt tại Việt Nam. Trước đó, BOI đã mở văn phòng đại diện tại TP.HCM vào năm 2003 và tháng 7/2015, BOI đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam. BOI là một trong số 5 ngân hàng lớn nhất tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư toàn cầu lên đến 133 tỷ USD.
“Việc khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất nhập khẩu của cả hai nước và đóng vai trò quan trọng, giúp đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam lên 15 tỷ USD vào năm 2020”, ông Shri Melwyn Rego nói.
Theo ông Shri Melwyn Rego, BOI cam kết hỗ trợ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp 2 nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, BOI có kế hoạch mở tiếp 1 đến 2 chi nhánh và địa điểm ưu tiên sẽ là Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, giữa tháng 7 năm nay, một đoàn gồm 41 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu da giày Ấn Độ (CLE) đã đến TP.HCM tìm đối tác Việt Nam và mời gọi đầu tư trong lĩnh vực da giày. Ông M.Rafeeque Ahmed, Chủ tịch CLE cho biết, Ấn Độ có tốc độ phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm da giày và hiện đứng thứ 2 thế giới về sản xuất giày dép với sản lượng ước tính 2,2 tỷ đôi. Ấn Độ cũng là quốc gia sản xuất hàng may mặc làm từ da lớn thứ 2 thế giới.
Cũng theo đại diện của CLE, hiện nay không chỉ các doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, mà các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đầu tư các dự án sản xuất da giày tại Ấn Độ.
“Hiện là thời điểm thích hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào cơ sở sản xuất tại Ấn Độ nhằm hướng tới phục vụ cho thị trường nội địa Ấn Độ và cho mục đích xuất khẩu”, ông M.Rafeeque Ahmed nói và cho biết, CLE sẵn sàng với các kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để thiết lập các dự án sản xuất và tận dụng các cơ hội tại Ấn Độ.
Gần đây, doanh nghiệp của 2 nước, đặc biệt là doanh nghiệp Ấn Độ đã tổ chức nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. “Chỉ tính riêng trong năm 2015, đã có 20 đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, đầu tư. Trong năm nay, con số này chắc chắn sẽ tăng lên”, bà Smita Pant nói.