Biến nguy thành cơ ngay trong tâm bão khủng hoảng
Covid-19 tác động sâu sắc đến doanh nghiệp, kéo theo sự thay đổi lớn trong tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Một ví dụ cụ thể, đó là đại dịch Covid-19 buộc 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp chỉ giữ lại 50% nhân sự đủ để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh đó, nhờ ứng dụng các công nghệ mới như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam đã xây dựng một nền tảng kinh doanh bất động sản trực tuyến nhằm thống kê, phân tích, định giá và minh bạch hóa quá trình tìm kiếm thông tin, sản phẩm và hỗ trợ giao dịch giữa cả bên mua và bên bán.
Tính đến hết tháng 8/2020, tổng giá trị giao dịch thành công trên nền tảng này đạt con số 18.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp bất động sản này cải thiện biên lợi nhuận gộp, đạt 41% so với con số 33% của năm 2019.
Không ở trong tình trạng buộc phải “ngủ đông” giống như công ty bất động sản, nhưng HomeCredit lại đứng trước áp lực duy trì đội ngũ dịch vụ khách hàng trên toàn quốc, đặc biệt là hệ thống tổng đài viên tiếp cận và xử lý yêu cầu, giải đáp thắc mắc, nhắc lịch thanh toán… cho mỗi khách hàng.
Trung bình một ngày, bộ phận này phải tiếp nhận con số đến hàng nghìn cuộc gọi đến, đồng thời giải quyết khối lượng cuộc gọi đi tương tự. Để giải quyết vấn đề này, dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, FPT và Home Credit đã tạo ra một “nhân viên ảo” trực tổng đài với hai kịch bản, phục vụ nhu cầu của hàng trăm nghìn khách hàng một cách hoàn toàn tự động.
Đến nay, tổng đài trợ lý ảo HomeCredit Việt Nam tự động thực hiện 20.000 cuộc gọi mỗi ngày, tỷ lệ cuộc gọi thành công đạt 98%.
Tổng đài ảo có thể giúp tăng 40% hiệu suất tổng đài viên. |
Hay như chính câu chuyện tối ưu hoạt động của đội ngũ 6.500 kỹ thuật viên hỗ trợ khách hàng trong mảng viễn thông của FPT dựa trên nền tảng Core AI Engine. Sau 12 tháng, giải pháp này giúp công ty tiết kiệm 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động đồng thời mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Theo khảo sát của IDC, có tới 59% lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu. Mỗi tuần số tiền chi cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên toàn cầu tăng thêm 15 tỷ USD (Nguồn: Báo cáo của IDG 2020, “CIO Pandemic Business Impact Survey, 2020”).
Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghệ thông tin mới đây, Phó tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh khẳng định, Covid-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp xem chuyển đổi số như một giải pháp cứu cánh, chìa khóa duy nhất giúp họ vượt qua khó khăn và phục hồi tốc độ tăng trưởng.
Phó tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao về CNTT. |
Tại sự kiện, dựa trên kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới, ông Việt Anh cũng “bật mí” 3 lý do giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. “Mẫu số chung đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy ở các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công đó chính là họ đã lựa chọn được phương pháp luận chuyển đổi số đúng và phù hợp với doanh nghiệp của mình”, ông Việt Anh nói.
Lý do thứ hai giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, theo ông Việt Anh đó là việc quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin hai cấp độ, bao gồm việc việc chuyển đổi các hệ thống lõi và việc linh hoạt, tạo điều kiện, môi trường cho việc thử nghiệm các sáng kiến số.
Và lý do thứ ba được ông Việt Anh đưa ra là chuyển đổi nguồn nhân lực số để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Trong đó, điểm mấu chốt quan trọng nhất là tập trung xây dựng văn hóa số, đào tạo nhân viên thúc đẩy tinh thần học hỏi, sáng tạo.
Chuyển đổi số là một hành trình dài và không thuần túy chỉ là việc chuyển đổi về mặt công nghệ mà là quá trình chuyển đổi không thể tách rời của 3 yếu tố, chuyển đổi mô hình kinh doanh chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi về con người.