Doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần thêm nhiều thông tin về TPP
Lê Tân - 23/08/2013 12:15
Vòng đàm phán thứ 19 của các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương với Mỹ về Hiệp định hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra tại Brunei.

Kỳ vọng

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, thì theo thông tin cá nhân của bà, Việt Nam là nước có nhiều điểm chưa nhất trí nhiều nhất trong số 12 nước tham gia đàm phán. Lý do là vì, có vẻ như Việt Nam đã chưa chủ động trong việc gia nhập TPP trước đó, mà chỉ tham gia sau khi có lời mời của Mỹ và chỉ trở thành thành viên chính thức vào tháng 11 năm 2010 nên có nhiều điểm cần phải cẩn trọng.

“Trong tuyên bố mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama thì TPP sẽ kết thúc vào cuối năm 2013 sẽ là một đóng góp lớn của Việt Nam với TPP”, bà Lan nói thêm.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt Nam cho rằng, TPP là rất quan trọng đối với Việt Nam. TPP kỳ vọng mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại với các nước tham gia hiệp định.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Trang, đến từ Trung tâm WTO của VCCI cho rằng, mức độ tự do của TPP cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại trước đây. Và cũng theo bà Trang, TPP mở ra những kỳ vọng cho xuất khẩu, nhập khẩu và cả môi trường đầu tư cũng thuận lợi hơn.

Sản phẩm dệt may chỉ được hưởng thuế suất 0% nếu từ sợi trở đi
được làm từ các nước TPP

“Lợi thế xuất khẩu là rõ ràng khi thuế quan nhập khẩu vào các nước TPP về nguyên tắc sẽ được loại bỏ phần lớn, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, lợi ích nhập khẩu là tiếp cận nguồn cung giá rẻ cũng nhờ loại bỏ thuế quan. Tiếp đó, môi trường đầu tư thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn dẫn đến thu hút đầu tư FDI nhiều hơn”, bà Trang phân tích.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn, đơn vị có doanh thu năm 2012 là 50 triệu đô la Mỹ nói rằng, ông tin TPP sẽ mở ra kỳ vọng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Gamex Sài Gòn gắn với hội nhập. Tôi nghĩ, TPP giúp cho chúng tôi có cơ hội cơ cấu lại khách hàng, tìm được khách hàng phù hợp với năng lực và cũng từ bỏ những khách hàng không phù hợp.”

Cũng theo ông Hùng, trước đây Garmex có đến 67% hàng hóa xuất sang thị trường châu Âu, nhưng đến nay ông đã cân bằng tỷ lệ xuất khẩu này sang thị trường Mỹ. Và ông cho biết thêm kế hoạch đến năm 2018, doanh thu của Garmex sẽ là 100 triệu đô la Mỹ và muốn làm được điều đó chỉ có cách hội nhập, trong đó có TPP.

Đồng tình với quan điểm này ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc của Công ty Vissan cho rằng: “Khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP sẽ giúp tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng.”

Nhiều thách thức

Lắng nghe nhiều ý kiến, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội giày da Việt Nam, người có rất nhiều kinh nghiệm làm ăn với các doanh nghiệp và các thị trường nước ngoài tỏ ra băn khoăn.

Theo ông Kiệt, hiện tại tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vào các nước đang đàm phán ở TPP là rất lớn. Riêng ngành dệt may là 17,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm đến 58% (trong đó riêng Mỹ gần 10 tỷ đô la Mỹ). Với ngành da giày là 8,7 tỷ đô la Mỹ với tỷ lệ là 44%.

“Hiện tại, có nhiều điểm trong đó có vấn đề liên quan đến xuất xứ nguồn hàng sẽ là khó khăn của Việt Nam. Cụ thể, trong đó có điều khoản đang đàm phán là ‘quy tắc yarn-forward’, với điều kiện sản phẩm dệt may chỉ được hưởng thuế suất 0% nếu từ sợi trở đi được làm từ các nước TPP. Nếu quy tắc này được áp thì gần như khi Việt Nam tham gia TPP, chúng ta sẽ không xuất khẩu được hàng dệt may”, ông Kiệt chia sẻ.

Cũng theo ông Kiệt, hiện tại phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may của Việt Nam chúng ta là nhập khẩu. Đặc biệt là sợi, chúng ta chưa thể đáp ứng như yêu cầu của TPP nếu hiệp định này thông qua ‘quy tắc yarn-forward’.

Ông Kiệt cũng cho rằng, mới đây có một đoàn doanh nhân khi tiếp xúc với ông đã có ý kiến rằng, họ sẽ xây dựng một vùng sản xuất sợi cho Việt Nam để khắc phục chuyện nếu có bị áp yarn-forward thì sẽ không bị ràng buộc.

“Tôi lo rằng, nếu nhà nước không có các quyết sách đúng thì không khéo khi vào TPP, các doanh nghiệp FDI lại là người hưởng lợi”, ông Kiệt phân tích.

Đứng từ góc độ của người kinh doanh trong ngành có liên quan đến nông nghiệp, ông Mười cho rằng, “hệ quả tất yếu khi gia nhập TPP là doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa. Nguyên nhân là việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong luồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.”

Đồng tình với quan điểm này, bà Trang đến từ trung tâm WTO của VCCI cho hay, sẽ xảy ra sự Cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. TPP có những đối tác rất mạnh về xuất khẩu nông sản trên thế giới như Mỹ, Úc và Newzealand. Trong khi đó năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang rất thấp.

Đón nhận TPP với tư thế nào

Ông Lê Quang Hùng, Công ty Garmex Sài Gòn cho rằng, chúng ta không còn cách nào khác khi phải tự bản thân mình thay đổi. Và ông với nhiều doanh nghiệp ở đây cũng quyết định phải tự cứu mình bằng cách tạo ra các liên minh liên kết với khách hàng để chuẩn bị đón nhận TPP.

Bằng những kinh nghiệm thực tế của bản thân mình, ông Mười lo lắng nhất đối với 3 quốc gia trong TPP sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp là: Mỹ, Úc và Newzealand. Theo ông Mười, với các quốc gia này, khi đàm phán cần cân nhắc kỹ các chính sách về thuế quan, hạn ngạch và biện pháp kỹ thuật như vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các yếu tố hỗ trợ.

Với ông Lưu Quang Lý, nguyên Phó giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thì hiện tại, mọi thứ đang trên bàn đàm phán, nên theo ông, Chính phủ cần phải cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

“Dường như, chúng ta mới chuẩn bị rất ít để vào TPP. Trách nhiệm thuộc về cả nhà nước lẫn cả doanh nghiệp. Ngay cả khi vào FTA thì chúng ta cũng lo lắng, WTO cũng thế và đến nay cũng vậy.”, ông Lý nói thêm với phóng viên.

Tin liên quan
Tin khác