Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Eurocham tại Việt Nam |
Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đối với hoạt động thương mại - đầu tư giữa hai bên trong thời gian qua và thời gian tới?
Trong hai năm 2020 và 2021, bất chấp Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang EU tương ứng hơn 35,1 tỷ USD và hơn 40 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ EU trị giá trên 14,6 tỷ USD và hơn 16,7 tỷ USD. 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang EU 31,9 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ đó, xuất siêu sang thị trường này tới 21,6 tỷ USD, tăng 46,4%.
Những số liệu trên đã cho thấy hiệu ứng tích cực của EVFTA đối với Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lại cho rằng, chính họ đang được hưởng lợi nhiều hơn nhờ EVFTA, vì mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU lớn hơn rất nhiều so với nhập khẩu, nhưng chủ yếu xuất phát từ khu vực doanh nghiệp FDI.
Do đó, các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và cả những doanh nghiệp chưa đầu tư tại Việt Nam rất mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) sớm được 2 bên thông qua và có hiệu lực để rộng đường cho doanh nghiệp EU mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Các thành viên Eurocham có thực sự lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong hiện tại và tương lai không, thưa ông?
Có thể nói, trong thời gian vừa qua, đặc biệt khi Covid-19 xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp vô cùng khó khăn và doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam không phải ngoại lệ. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có cái nhìn, đánh giá rất lạc quan trước sự vực dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Minh chứng là, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được củng cố. Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) do Eurocham khảo sát và công bố quý II/2022 cho thấy, BCI của Việt Nam vẫn đạt 68,8 điểm, giảm nhẹ so với quý I, nhưng không phải do nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà do các yếu tố từ bên ngoài tác động. Đó là giá nhiên - nguyên - vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu tăng liên tục; tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc; lạm phát đe dọa hầu hết các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 60% thành viên Eurocham tin rằng, kinh tế Việt Nam ổn định và cải thiện trong quý III/2022 bất chấp những khó khăn từ bên ngoài.
Đặc biệt, 45% thành viên Eurocham cho biết, họ rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút, giữ vốn dòng vốn FDI của Việt Nam và có tới 76% số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng vốn FDI.
Theo ông, sự hài lòng của doanh nghiệp châu Âu có phải là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ khu vực này?
Khoảng 55% thành viên Eurocham nhận định, Việt Nam đã cải thiện đáng kể khả năng thu hút và duy trì vốn FDI. Mặc dù Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, nhưng Chính phủ rất nỗ lực và quyết tâm theo đuổi triển vọng kinh tế tăng trưởng xanh. Vì vậy, gần 90% thành viên Eurocham mong muốn, Việt Nam nên tăng cường phát triển kinh tế xanh, coi kinh tế xanh là động lực thu hút vốn FDI.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đảo lộn kinh tế thế giới, khiến châu Âu đang phải đối phó với lạm phát, suy giảm kinh tế, thất nghiệp... Chính vì vậy, một trong những giải pháp tối ưu để duy trì hoạt động là doanh nghiệp EU chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam kiểm soát được lạm phát, kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, đồng nội tệ tương đối ổn định, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, cán cân kinh tế vĩ mô được kiểm soát..., nên đang là điểm đến tối ưu đối với doanh nghiệp EU muốn đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài những lợi thế kể trên, theo đánh giá của ông, điều gì khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nói chung và EU nói riêng?
Đó là thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng và phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, thì tạo thuận lợi thương mại vô cùng quan trọng, trong đó, thủ tục hải quan là mắt xích then chốt.
Năm 2021, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, mặc dù cả xã hội bị giãn cách, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lúc, có nơi bị ngưng trệ, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn thông suốt, thủ tục hải quan, thông quan... không bị ngưng trệ.
Ông có thể cho biết, doanh nghiệp EU mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách những vấn đề gì để tạo thuận lợi thương mại?
Eurocham đã phối hợp với cơ quan hải quan tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp EU tại Việt Nam, cả ở trung ương lẫn địa phương, nhất là những địa phương có nhiều doanh nghiệp EU hoạt động. Về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hài lòng với cơ chế, chính sách tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu... Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp than phiền nhiều nhất vẫn là kiểm tra chuyên ngành.
Ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án này được kỳ vọng là bước đột phá trong tạo thuận lợi thương mại và để thực thi được, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm trôi qua, đến nay, nghị định này vẫn chưa được ban hành.
Hậu quả là, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá nhiều, cơ bản mới chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, thay vì cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất; còn nhiều quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết; nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng chưa đầy đủ, thực chất, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa miễn kiểm tra còn hạn chế; còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành...