Theo dự thảo phương án sáp nhập, dự kiến, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) sẽ phát hành thêm cổ phần để hoán đổi 17,760 triệu cổ phần phổ thông của Kido Foods, tương ứng 32,79% tổng số đang lưu hành của Kido Foods cho tất cả cổ đông đang nắm giữ số cổ phần này, theo tỷ lệ 1:1,3.
Nghĩa là 1 cổ phiếu KDF sẽ đổi được 1,3 cổ phiếu KDC.
Ban lãnh đạo Kido lý giải, việc áp dụng tỷ lệ hoán đổi 1:1,3, cao hơn so với tỷ lệ hoán đổi theo đề xuất của tổ chức thẩm định giá 1:1,2 (công ty Nam Việt-PV) nhằm trả thêm cho cổ đông Kido Foods khoản thặng dư là 8,3% cho việc nắm giữ cổ phiếu Kido sau khi sáp nhập hoàn tất.
Ngoài ra, với quy mô vốn điều lệ của Kido hiện là 2,556 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với vốn điều lệ của Kido Foods. Do đó, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu Kido sau khi phát hành theo tỷ lệ 1:1,3 là 8,3%, không chênh lệch đáng kể so với thực hiện phát hành theo tỷ lệ 1:1,2 là 7,7%.
Sau khi hoàn tất việc hoán đổi cổ phiếu như trên, vốn điều lệ của Kido sẽ tăng thêm một khoản tương ứng giá trị của tổng số cổ phần thực tế mà KDC đã phát hành thêm.
Kido Foods cũng được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty cổ phần sang Công ty TNHH MTV do Kido sở hữu 100% vốn điều lệ.
Nếu trong tháng 06/2020, đại hội đồng cổ đông thường niên của hai công ty thông qua phương án sáp nhập, Kido sẽ nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi, 2 tháng sau đó Kido sẽ phân phối cổ phiếu cho các cổ đông Kido Foods chốt theo danh sách.
Và đến tháng 10/2020, khi Kido Foods chuyển thành công ty TNHH MTV, cổ phiếu phát hành thêm của Kido chính thức được niêm yết.
Bảng: Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau sáp nhập Kido Foods vào Kido (Đvt: Tỷ đồng).
Chỉ tiêu | Năm 2020 | Năm 2021 |
Doanh thu hợp nhất | 8.000 | 10.800 |
LNST | 253 | 607 |
Tỷ lệ cổ tức dự kiến | 16% | 16% |
Hiện, Kido có 10 công ty con, công ty liên kết, liên doanh đồng kiểm soát; tập trung 2 mảng kinh doanh chính là dầu ăn (đóng góp 79,5% trong tổng doanh thu thuần năm 2019) và ngành hàng lạnh (kem, sữa chua, thực phẩm đông lạnh,…).
Với ngành hàng lạnh, Kido chiếm hơn 41% thị phần ngành kem (Euromonitor 2019), với 2 nhãn hàng chính là Merino và Celano.
Năm 2019, doanh thu thuần Kido giảm 5,2% so với năm 2018 (chỉ đạt 7.210 tỷ đồng).
Trong khi đó, Kido Foods được thành lập năm 2003, sau khi mua lại nhà máy kem Wall’s của Unilever, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu KDF vào 14 năm sau đó.
Kido Foods sản xuất và kinh doanh 3 nhóm sản phẩm chính gồm kem, sữa chua và các sản phẩm bánh bao cấp lạnh, thực phẩm đông lạnh.
Riêng với sữa chua, tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu so với 2 sản phẩm chính còn lại liên tục sụt giảm.
Năm 2016, sữa chua chiếm 15,9% trong tổng doanh thu Kido Foods rồi giảm xuống 3,9% năm 2017, 2,4% năm 2018 và chỉ còn 1,6% năm 2019.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido Foods lý giải, ngành sữa chua tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt và gay gắt giữa nhiều tên tuổi lớn.
Để gia tăng thị phần của mình, họ tiếp tục sử dụng các chiến lược khuyến mãi nhiều đến mức bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất trong ngành.
“Trước bối cảnh đó, chúng tôi tiếp tục quyết định nằm ngoài cuộc chiến giá cả để bảo tồn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kem của mình. Quyết định này đã dẫn đến sự sụt giảm thị phần sữa chua của chúng tôi nhưng đã giúp công ty duy trì lợi nhuận tổng thể”, ông Trần Lệ Nguyên nói.
Năm 2019, Kido Foods ghi nhận doanh thu thuần 1,383 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng, tăng 420%.
Tỷ lệ sở hữu của Kido tại 07 công ty con:
- 61,9% CTCP Dầu thực vật Tường An.
- 51% Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam.
- 65% công ty cổ phần thực phẩm đông lạnh Kido.
- 51% công ty TNHH Kido-Nhà Bè (trước đây là Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè).
- 100% công ty TNHH thương mại và dịch vụ Kido.
- 100% công ty TNHH MTV Thực phẩm Kido.
- 100% công ty TNHH MTV Quốc tế Nhất Hảo.
Tỷ lệ sở hữu của Kido tại 03 công ty liên kết, liên doanh đồng kiểm soát:
- 50% Công ty cổ phần đầu tư Lavenue.
- 50% công ty cổ phần chế biến thực phẩm Dabaco.
- 34% công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Thịnh.