Doanh nghiệp
Doanh nghiệp chờ gì ở Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc?
Thế Hải - 15/12/2014 14:04
Mặc dù, việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) mới đang ở chặng cuối, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, thủy sản… của hai nước đều đang có những động thái nhằm đón đầu cơ hội này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sẽ chuyển cơ cấu đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc
Sóng lừng từ FTA thế hệ mới
Sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc

Gia tăng đầu tư từ phía DN Hàn Quốc

Hiện tại, Hàn Quốc có 500 DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD. Dự báo, số DN Hàn Quốc đầu tư vào dệt may sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

   
  Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi VKFTA được ký kết. Ảnh: Đức Thanh  

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa xác nhận, hiện có hơn 10 nhà đầu tư Hàn Quốc đặt vấn đề với Vitas nhằm tìm kiếm đối tác lập liên doanh sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn SaeBom Corp. đang tìm các nhà cung cấp nguyên liệu để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bóng chày tại khu vực phía Bắc, với sản phẩm chỉ dành cho xuất khẩu.

Công ty TNHH Quốc tế CnE Totaltex Jieum cũng đang tìm đối tác Việt Nam để lập liên doanh đầu tư vào lĩnh vực kéo sợi và hoàn tất vải len. Được biết, Công ty đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi, nhuộm sợi, hoàn tất vải len và len pha may quần âu, bộ veston tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Gần đây nhất, tại lễ khai trương nhà máy may mặc thứ 3 tại Việt Nam (tỉnh Hưng Yên) với vốn đầu tư 15 triệu USD của Tập đoàn May mặc HanesBrands, ông Javier Chacon, Phó chủ tịch cấp cao, Bộ phận kinh doanh toàn cầu của HanesBrands đã xác nhận, Tập đoàn sẽ đầu tư dài hạn và tiếp tục mở rộng quy mô trên nền tảng 3 nhà máy hiện có ở Việt Nam.

DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép… Riêng trong lĩnh vực dệt may, theo ông Lê Văn Đạo, Cố vấn Vitas, với các nội dung được đàm phán, VKFTA sẽ mang lại một số thuận lợi cho các DN dệt may: được xuất khẩu tự do không hạn chế về số lượng, giảm và miễn thuế nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn đang yếu kém như nguyên phụ liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu: dệt, nhuộm, hoàn tất, phụ liệu… Yêu cầu của Hàn Quốc về quy tắc xuất xứ khá đơn giản, có thể dùng vải của mọi xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi như EU đối với các nựớc kém phát triển.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự bứt phá ngoạn mục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc mới đạt chưa đầy 300 triệu USD, thì năm 2013, đã đạt gần 1,2 tỷ USD và 11 tháng đầu năm 2014, đã vượt 1,4 tỷ USD. Hàn Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của hàng dệt may Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản.

Hàn Quốc hiện cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của ngành gỗ, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ông Lee Kyuseon, Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (Kotra) tại Hà Nội cho biết, Việt Nam đã thực hiện tốt việc đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu, thu hút dòng đầu tư, thương mại lớn từ Hàn Quốc từ năm 2007. Cụ thể, FTA đa phương giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN đã thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm như linh kiện điện thoại, đồ gỗ... sang Hàn Quốc.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hàn Quốc, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 21,9 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương ước đạt 26,1 tỷ USD.

Ngày 5/12 vừa qua, 40 DN nhập khẩu Hàn Quốc vừa có buổi giao thương tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam thuộc các ngành dệt may, da giày, cơ khí, luyện kim, hóa chất, thực phẩm chế biến, thủy sản… tại Hà Nội càng khẳng định thêm uy tín xuất khẩu của một số lĩnh vực sản xuất Việt Nam.

Khi VKFTA được ký kết và có hiệu lực, hiệu ứng tích cực từ các dòng đầu tư, thương mại 2 chiều còn rõ rệt hơn, bởi đây là một FTA được nhận định là: “văn bản pháp lý toàn diện nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước, song VKFTA có tác động tích cực khác nhau đến 2 nước do còn phụ thuộc vào trình độ phát triển, cơ cấu, khả năng hấp thụ… của từng nền kinh tế”.

Ông Tae Yong Shinn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (Koima) cho rằng, VKFTA là bệ phóng để tăng xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước.

Tin liên quan
Tin khác